Việt Nam - Điểm đến lý tưởng của golfer toàn cầu

GolfNews xin gửi đến bản dịch của bài viết "Good morning, Vietnam! Inside the world’s next great golf destination" trên Golf.com.

Trong một bối cảnh nào đó, mẫu SUV với quả bóng golf rực lửa cỡ lớn trên thân xe có thể không gây sự chú ý nào. Tuy nhiên, khi di chuyển trên những con phố nhỏ hẹp ở Hà Nội, nơi tràn ngập các dòng xe máy, xích lô và thường tạo nên dấu ấn bằng những ngôi chùa cổ kính, chiếc xe này trở nên lạ mắt không khác gì một chiếc xe đẩy trong một cuộc đua NASCAR (một trong những giải đua xe hơi danh giá nhất nước Mỹ).

Ngồi trên tay lái chiếc Toyota Fortuner của mình, Đức Phạm (PGA Phạm Minh Đức) cho xe chạy khá nhanh, vòng qua một vòng xoay và băng qua ngã tư mà không giảm tốc độ. Một nhóm học sinh, đứng ở góc đường, giơ ngón cái lên và hét lên bằng tiếng Việt. “Các em cơ bản nói rằng: ‘Ngầu đấy anh!’”, Đức giải thích về phản ứng của bọn trẻ khi nhìn thấy hình ảnh kỳ lạ trên thân xe. “Nhưng tôi không chắc bọn trẻ có thể hiểu được bóng golf là gì”.

Khi ở vào độ tuổi giống các em học sinh, Đức - giờ đây đã 31 tuổi - cũng không biết gì về golf. Đó là thời điểm những năm đầu thập niên 90, khi mà golf ở Hà Nội vẫn chưa phổ biến, hay thậm chí không tồn tại với một số người. Những môn thể thao mà Đức chơi lúc đó là hai môn được yêu thích ở quốc gia này: bóng đá và đá cầu, có cách chơi tương tự cầu lông nhưng chỉ dùng chân.

Tuy nhiên, đến năm 1997, golf - môn thể thao ngày càng phổ biến ở nhiều nơi tại châu Á bắt đầu có chỗ đứng trong suy nghĩ của Đức. Câu chuyện bắt đầu tại Kings Island, sân golf nằm trên một bán đảo cách thủ đô Hà Nội khoảng 30 dặm (48 km) về phía Tây. Đó cũng là sân golf đầu tiên ở miền bắc Việt Nam. Cha của Đức, một quan chức chính phủ, được mời đến tham dự một buổi outing và ông đã đem cậu con trai 11 tuổi mình theo cùng.

“Tôi nhớ được cú đánh tập đầu tiên của mình đi cao và thẳng. Mọi người nói với bố tôi rằng: ‘Con ông có năng khiếu đấy’”, Đức nhớ lại. “Tôi đã rất tự hào”. Kể từ đó anh bắt đầu bị môn thể thao này cuốn hút.

Lake Course tại Sky Lake Resort, Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đức vẫn giữ niềm đam mê với golf nhưng ở khu vực anh ở không có điều kiện tốt để tập luyện. Vì thế, anh đã quyết định du học ở Brisbane (Australia) để có điều kiện tiếp cận golf tốt hơn. 08 năm sau, Đức trở về nước với tấm thẻ thành viên PGA of Australia - một điều chứng nhận tư cách golfer chuyên nghiệp ở Australia. Điều đó khiến anh trở thành người đầu tiên - và cho đến tận hôm nay - là người Việt Nam duy nhất có được vinh dự này.

Những năm gần đây, Đức đã sử dụng kinh nghiệm của mình để giảng dạy tại các học viên golf và kinh doanh ở những cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, đồng thời có những chương trình huấn luyện của riêng mình trên các kênh truyền hình Việt Nam. Cứ như thế, Đức đã trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng trong làng golf Việt Nam, nơi mà thị trường golf vẫn đang phát triển mạnh và bộ môn này ngày càng được yêu thích.

Trong một thập kỷ qua, cùng với sự trỗi dậy của golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, số lượng golfer ở Việt Nam tăng nhanh chóng qua các lớp đào tạo đắt đỏ và điều này cũng kéo theo việc nhiều sân golf mới ra đời. Nhiều tên tuổi kỳ cựu như Greg Norman hay Jack Nicklaus đã tham gia thiết kế nhiều sân, trải dài từ Thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam cho đến tận vùng biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Ấn tượng nhất phải kể đến thiết kế của kiến trúc sư Brian Curley, người đã tạo ra một quang cảnh tuyệt đẹp cho người chơi golf tại Vịnh Hạ Long.

Đức Phạm - thành viên PGA of Australia.

Chạy dọc theo đất nước này, những địa danh gắn liền với những sự kiện lịch sử giờ đây đã bắt đầu chuyển đổi để thích ứng với sự phát triển trên. Một ngôi làng ở Lăng Cô gần đèo Hải Vân, nơi từng chứng kiến một số cuộc chiến khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh lịch sử Việt Nam giờ đây có sự xuất hiện của một sân golf do Nick Faldo thiết kế, cùng với hai khách sạn sang trọng nằm trong một khung cảnh hùng vĩ giữa núi và biển cùng những đồng lúa rộng mênh mông.

Xung quanh Đà Nẵng, một nơi từng có thời được Mỹ lập căn cứ quân sự hiện tại có đến 04 sân golf đáng chú ý được thiết kế bởi Norman, Nicklaus và Colin Montgomerie. Một sân golf khác cũng sắp được khai trương ở khu vực này vào mùa hè tới và tất nhiên nó cũng thiết kế nằm bên cạnh một di tích chiến tranh - một hầm trú ẩn. Điều khiến sân golf này trở nên đặc biệt hơn chính là việc nó được thiết kế bởi kiến trúc sư tài năng Robert Trent Jones Jr. với tham vọng biến sân trở thành một bản giao hưởng tuyệt vời bên đường bờ biển tuyệt đẹp.

“Nơi đây mang đến một chút dấu ấn của thời gian”, Jones Jr. chia sẻ. “Vùng đất này có một lịch sử hào hùng và đó chính là thứ chúng tôi muốn bảo tồn. Điều này cũng mang đến một ý tưởng tuyệt vời cho golf”.

Việt Nam hiện tại đang trở thành địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các sân golf, một phần nhờ vào đường bờ biển chạy dọc đất nước, có chiều dài lớn hơn bất kỳ khu vực nào ở bờ Tây nước Mỹ. Chỉ riêng yếu tố này đã giúp Việt Nam có được lợi thế to lớn so với các quốc gia bị giới hạn về không gian như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Khí hậu ấm áp dễ chịu cả năm cũng mang đến lợi thế khác cùng với một nền chính trị ổn định.

Trái ngược với Trung Quốc, nơi mà các chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ đã kiềm hãm việc ra đời những sân golf mới, chính quyền Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển golf để giúp tăng ngân sách nhà nước. Trước đó chính phủ đã phê duyệt một bản kế hoạch cho phép xây dựng 89 sân golf khắp cả nước cho đến năm 2020. Con số này nhiều hơn gần gấp đôi so với số lượng các sân golf đang hoạt động hiện nay.

Ban đầu tài chính để xây dựng những dự án lớn như sân golf thường đến từ nguồn vốn từ nước ngoài, tuy nhiên sau đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến vào thị trường này. Lấy ví dụ sân Kings Island, nơi mà người chơi phải đi tàu khoảng một giờ từ Hà Nội về phía Tây rồi tốn thêm thời gian để vượt hồ bằng thuyền máy, được xây dựng vào năm 1997 bởi một doanh nhân người Thái Lan. Chỉ hai năm sau, địa điểm này thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Thị Nga (Madame Nga), nữ doanh nhân khoảng 60 tuổi với mái tóc cắt ngắn, thường mặc những chiếc váy có họa tiết hoa và sở hữu khối tài sản đưa bà trở thành một những người phụ nữ giàu nhất ở Việt Nam.

Với tư cách chủ tịch của BRG Group, một tập đoàn kinh doanh chuỗi ngân hàng, bất động sản và bán lẻ, Madame Nga nhận được sự tôn trọng từ các tổ chức khác và có địa vị trong xã hội, nơi mà văn hóa doanh nghiệp luôn được đề cao.

Trong một buổi chiều mờ sương tại thủ đô Việt Nam, nữ doanh nhân đã có một buổi phỏng vấn trong phòng họp ở một ngân hàng thuộc sở hữu của BRG cùng với những trợ lý. Bà Nga đeo tai nghe để có thể theo dõi lời phiên dịch của một trợ lý ngồi cách đó không xa và có cách nói chuyện thân thiện, thường kết thúc câu bằng những cử chỉ tay phù hợp.

Mở đầu, bà Nga tự nhận mình không bị cuốn hút bởi golf. Bà biết đến môn này lần đầu trong một sự kiện doanh nghiệp cách đây gần 20 năm. Tuy không ra sân chơi, nhưng khoảng thời gian theo dõi đã giúp bà đúc kết được hai điều quan trọng mà golf có thể mang đến: vẻ đẹp hùng vĩ từ khung cảnh và cơ hội gặp gỡ giữa các doanh nhân.

“Từ góc nhìn của tôi, mọi thứ khá rõ ràng”, bà Nga nhớ lại. “Golf là một cơ hội kinh doanh tốt”.

Tuy nhiên, diễn biến về sau lại mang đến một câu chuyện khác. Khi trải nghiệm golf một thời gian, sự đam mê người phụ nữ này với môn thể thao ngày một lớn dần đến mức nó trở thành lý do cho một câu chuyện thú vị trong gia đình bà. Cụ thể, những đứa con của vị chủ tịch đã treo lên giường bà tấm giấy có dòng chữ viết tay của bà: “Golf là tình yêu của tôi. Golf là cuộc sống của tôi”.

Với niềm đam mê ngày càng lớn dần, Madame Nga luôn sắp xếp công việc để có thể chơi golf, thường là vào cuối tuần và trên những sân do bà sở hữu. Không lâu khi mua lại Kings Island, bà tiếp tục mở thêm sân golf thứ hai trên cùng khu đất. Chỉ mới năm ngoái, người phụ nữ này tiếp tục cắt băng khánh thành sân golf thứ ba, sân Kings Course. Đây là địa điểm ngày càng thu hút golfer bởi nó có bố cục hợp lý từ điểm bắt đầu cho đến khi kết thúc, tận dụng tốt lợi thế của vùng địa hình ven hồ và hố số 19 với “phong cách” island green - một trong những khu vực đáng nhớ nhất trên sân.

Legend Hill - sân golf đầu tiên do Nicklaus thiết kế tại Việt Nam sở hữu 2 green tại mỗi hố và thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch BRG Group.

Được thiết kế bởi Jack Nicklaus II, sân Kings Course là một phần trong thương vụ hợp tác đình đám giữa BRG và tập đoàn Nicklaus, đơn vị đã làm nên 03 sân golf ở Việt Nam và dự kiến sẽ hoàn thành thêm năm sân golf nữa cho đến năm 2020.

Theo yêu cầu của Madame Nga, mỗi sân golf được xây dựng nên đều phải có một điểm đặc trưng. Tại sân Kings Course, vai trò này được đảm nhận bởi hố island green số 19. Tại sân Legend Hill, mỗi hố đấu trên sân đều có hai vùng green được dùng xen kẽ qua mỗi ngày. Các điểm đặc trưng này có được nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa kiến trúc sư và chủ sở hữu sân để tận dụng sức sáng tạo của cả hai phía.

“Với vai trò kiến trúc sư, tôi luôn quan tâm trước hết về các chiến lược hợp lý cho sân”, Jack Nicklaus II cho biết. “Tuy nhiên, những điều tôi học được từ Madame Nga là vẻ đẹp và độ khó cũng có tầm quan trọng không kém. Sự thật là những thứ đó không thể loại trừ lẫn nhau. Tôi vẫn có thể đạt được chiến lược hợp lý trong khi tạo ra một sân golf đẹp mắt và đầy thử thách”.

*****

Trong giai đoạn golf bắt đầu phát triển ở Việt Nam, các sân golf thường hướng đến thiết kế gần gũi với thiên nhiên với những hàng cây và thác nước, tương tự nhiều nơi khác ở châu Á. Đó vẫn là phong cách thường thấy, tuy nhiên gần đây một hướng đi tối giản mới đã bắt đầu xuất hiện.

Một trong những sân golf có thiết kế kiểu mới nằm ở Đồng Hới, một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Bình, cách Hà Nội khoảng một giờ bay và thuộc vùng bờ biển phía Bắc. Bên cạnh bờ biển tuyệt đẹp cùng phố đi bộ tràn ngập thức ăn đường phố cùng mùi nước mắm đặc trưng, sách hướng dẫn du lịch Đồng hới còn đề cập đến động Phong Nha, nơi có hệ thống hang động ngầm lớn nhất trên thế giới.

Dù vậy những yếu tố kể trên không phải là thứ được Brian Curley lưu ý đầu tiên. Kiến trúc sư gốc Monterey cùng phong cách thoải mái của dân California trước đó đã nhìn thấy tiềm năng phát triển golf ở châu Á. Người đàn ông 59 tuổi này đã thực hiện nhiều dự án quan trọng ở Trung Quốc, tuy nhiên vào 5 năm trước, Curley đã chuyển hướng đến Việt Nam bởi chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn việc phát triển sân golf. Thứ mà ông ấy thấy được ở Đồng Hới chính là những cồn cát trắng hoang sơ dài hàng dặm, thứ mang đến một giấc mơ hoàn hảo cho mọi kiến trúc sư.

Laguna Lăng Cô.

Curley quyết định ký hợp đồng với FLC, một tập đoàn bất động sản ở Việt Nam, để thực hiện dự án dài hơi: xây dựng 10 sân golf ở Đồng Hới. Vì tính chất của dự án, ông phải đến khu vực này mỗi tháng một lần.

Vào một buổi sáng trong xanh, Curley đứng trên rìa bãi cỏ xanh mướt, nơi tiếp giáp với bãi biển lộng gió. Dòng nước biển xanh chảy sau lưng ông, hai bên là những cồn cát trắng mọc cao tạo nên một khung cảnh ấn tượng. Nơi Curley đang đứng chính là hố số 15 ở sân golf đầu tiên ông thiết kế tại Đồng Hới. Một sân khác cũng đang trong quá trình hoàn thành và dự kiến sẽ mở cửa vào mùa hè này.

Cả hai sân này đều còn khá mới nên chúng hiện được gọi là sân A và sân B, dù Curley đã có ý tưởng gọi chúng là sân Forest Dunes và Ocean Dunes - dựa vào các yếu tố đặc trưng của sân. Những sân này hứa hẹn sẽ đem đến cho người chơi một cảm giác mới mẻ cùng cảnh quan đặc sắc, thứ vốn được golfer Việt Nam quan tâm.

“Tôi thích những sân golf mà bạn rất khó khăn để tìm bóng”, Curley nói khi hướng nhìn về sân A, nơi có những vùng fairway rộng lớn nhưng lại không có bunker kiểu chuẩn nào, bởi trong tầm mắt của ông lúc này là những bãi cát lớn.

“Rất nhiều golfer ở đây háo hức với việc bị trừng phạt sau mỗi cú đánh và nghĩ rằng bạn không thực sự chơi golf nếu không có thử thách trên đường đi” - Brian Curley 

Ngoài ra ông cũng nhớ lại buổi outing tại một sân golf khác của mình ở Quy Nhơn, khi đó thu hút 300 golfer tham dự và tất cả đều phát bóng ở tee trắng. Trong 03 ngày thi đấu, chỉ có 04 người chơi đủ khả năng đánh dưới 80 gậy. “Vậy mà tất cả họ đến nói với tôi rằng sân golf này vẫn chưa đủ độ thử thách”, Curley cho biết.  

Việt Nam – một đất nước đang trên đà phát triển, vẫn chỉ có rất ít người chơi golf sở hữu kỹ năng cao, tuy nhiên con số những người tìm đến bộ môn thượng lưu này giờ đây đã rơi vào khoảng 30,000 người – tăng gấp 10 lần so với 20 năm về trước.

Golfer Phạm Minh Đức – hiện được coi như là bộ mặt của làng golf nước nhà hiện đang có chương trình “On Green” được phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia 2-3 lần/tháng. Để thu được những tư liệu làm chương trình, Phạm Minh Đức thực sự rất bận rộn và thường xuyên phải đi nhiều nơi. Nhưng hôm nay là một ngày nghỉ, anh quyết định sẽ đi đâu đó để thư giãn. Anh lái chiếc xe SUV của mình qua trung tâm Hà Nội, hướng về phía ngoại ô thành phố, và chuẩn bị sẵn sàng một bộ gậy trong cốp xe. Con đường anh đi qua dần yên tĩnh hơn, ít người qua lại hơn, những tòa nhà rộng lớn cùng sự ồn ã nơi thủ đô mờ dần và thay vào đó là cánh đồng lúa với máy cày máy kéo đặc trưng chốn quê Việt. Đi qua những ngôi làng, những quang cảnh hiện lên như trong thước phim xưa cũ, anh đưa chúng tôi đến Sky Lake Resort & Golf Club.

Được thành lập vào năm 2012, khu nghỉ dưỡng này sở hữu 2 sân golf – sân Sky và sân Lake chứ không đặt tên theo người thiết kế như những sân golf khác trên thế giới. Khung cảnh nơi đây có nét rất độc đáo cùng màu trong trẻo của hồ nước quyện vào màu thung lũng xanh tươi.

Lát sau, Phạm Minh Đức ra sân, đứng ở tee đầu tiên của Lake Course yêu thích của mình, nhớ về những câu chuyện lịch sử đất nước đầy đau thương, anh nói: “Cảm giác này rất lạ, nhìn xung quanh, nghĩ về những câu chuyện mình được nghe về quá khứ rồi nhận ra mình đang được sống một cuộc sống đầy đủ, được chơi bộ môn mình yêu thích, ngay tại đây”. Dưới chiếc mũ Titleist của mình, anh cười hiền hậu, một nụ cười đầy hạnh phúc của một người đàn ông trưởng thành, anh cảm thấy tự hào vì đã đưa golf đến gần hơn với Việt Nam, lấy một trò chơi từ nơi khác trở thành cái riêng nhất của anh.

Tiger Woods đã sẵn sàng chinh phục WGC-Mexico Championship