Những điều cần biết về handicap: Chờ đợi sự hợp nhất

Với việc World Handicap System chuẩn bị được áp dụng từ đầu năm 2020, những golfer đang sử dụng những ứng dụng tính handicap theo công thức của USGA như VHandicap hay eHandicap sẽ được tiếp cận với một hệ thống tính handicap trực quan hơn và dễ dàng sử dụng chỉ số đó ở mọi nơi trên thế giới.

Handicap là gì?

Chỉ số handicap (HCP), hay còn thường được gọi là điểm chấp đến nay đã trở thành một thuật ngữ rất quen thuộc với những người đang chơi golf ở Việt Nam. Trái với những môn thể thao khác, golf cho phép người chơi ở nhiều trình độ khác nhau có thể thi đấu, giao lưu được với nhau trong cùng một trận hay một giải đấu. Do đó, cần có HCP để căn cứ vào đó mà người chơi tốt hơn sẽ phải chấp người kém hơn mình một số lượng gậy là hiệu giữa HCP của hai người. Chính vì thế, golf càng phát triển, mức độ giao lưu, thi đấu càng nhiều thì nhu cầu có HCP chính xác và tin cậy càng lớn.

Vậy handicap là gì? Nói một cách đơn giản, đó là chỉ số đại diện cho số gậy trên điểm chuẩn (par) mà golfer sẽ được tính trong một vòng đấu tiêu chuẩn 18 hố trên sân. Từ con số đó, chúng ta có thể hiểu được năng lực của golfer khi người chơi càng hay sẽ có handicap càng thấp và ngược lại. Những golfer có handicap 0 hoặc thấp hơn được gọi là scratch golfer, có trình độ rất giỏi và thông thường đều lựa chọn con đường chuyên nghiệp.

Một scorecard cơ bản với kết quả và thông số sân để cập nhật handicap cho golfer.

Do các sân golf trên Việt Nam và thế giới thường có độ khó khác nhau, cũng như không phải trình độ người chơi nào cũng giống nhau, nên việc tính toán handicap khá phức tạp. Thông thường sau khi kết thúc một trận golf 18 hố, golfer phải có trách nhiệm nhập hoặc gửi scorecard (bảng điểm kết quả) về nơi quản lý handicap của mình để cập nhật chỉ số.

Sau đó tùy thuộc theo công thức tính toán dựa trên một đơn vị quản lý handicap mà người chơi sẽ nhận được điểm handicap của mình (HCP Index). Hiện nay hầu như HCP Index của golfer Việt Nam đều được tính toán dựa trên công thức của Hiệp hội Golf Hoa Kỳ (USGA) như ứng dụng VHandicap, do đó người chơi có thể sử dụng điểm handicap này trên toàn lãnh thỗ Việt Nam cũng như thế giới.

Những cách cập nhật handicap phổ biến ở Việt Nam

Hiện tại ở Việt Nam, các golfer sẽ có hai cách để cập nhật handicap của mình. Do có cùng chung công thức tính toán của USGA nên gần như độ phổ biến của chúng rất cao.

Đầu tiên là những golfer thuộc hội viên của một sân/CLB golf có thể sử dụng dịch tính handicap được cung cấp tại nơi đó. Sau khi nộp scorecard về sân, đơn vị phụ trách sẽ đảm nhận việc điểm số và cập nhật handicap cho người chơi.

Handicap của một golfer trên eHandicap.

Hầu hết các sân golf ở Việt Nam như Vietnam Golf & Country Club đều sử dụng phần mềm eHandicap do Northern System phát triển khi mà các ứng dụng của Việt Nam vẫn chưa xuất hiện. Những CLB golf lâu đời như Golf & Life (GLC) cũng sử dụng hệ thống này từ rất lâu và vẫn đang tiếp tục. Nhược điểm của eHandicap là ít thân thiện với người dùng thông thường và chỉ hướng đến đối tượng doanh nghiệp.

Còn với những golfer không thi đấu thường xuyên ở một sân hay không tham gia một CLB nào, họ sẽ sử dụng những ứng dụng tính toán handicap khác để phục vụ nhu cầu của mình. Trong đó hai phần mềm quen thuộc nhất với các golfer lúc này là VHandicap và Misa.

Điểm chung của hai ứng dụng này là mọi golfer có thể chủ động tạo tài khoản tính handicap “chính chủ”, chủ động nhập score và kết nối với bạn bè cũng như những tiện ích hỗ trợ khác. Ngoài ra cả hai đều hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt và có thể dễ dàng tải trên các thiết bị di động nên dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi.

Ứng dụng VHandicap luôn nhận được sự đồng hành và quản lý bởi Hiệp hội golf Việt Nam (VGA).

Ra đời chính thức vào đầu năm 2018, ứng dụng VHandicap được quản lý bởi chính Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) nhằm đi đến việc thống nhất các hệ thống tính handicap khác nhau, thứ từng khiến nhiều giải đấu phải “đau đầu” trong việc kiểm soát handicap và ngăn chặn tình trạng gian lận.

Với việc trở thành ứng dụng quản lý handicap quốc gia duy nhất, VHandicap ngày càng nhận được sự tin tưởng của các golfer khi có hơn 20.000 người đăng ký sử dụng. Ngoài việc tính toán handicap, ứng dụng này còn đem đến nhiều tính năng hữu ích như mạng xã hội ảo, đặt sân, kết nối bạn bè, quản lý CLB hay bảng xếp hạng, qua đó trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống các golfer Việt hiện nay.

Chờ đợi sự thống nhất từ World Handicap System (WHS)

Hiện nay dù cho người dùng sử dụng cách cập nhật handicap nào, họ vẫn có thể đồng bộ handicap trên cả eHandicap, VHandicap hay Misa bởi tất cả đều sử dụng cùng công thức tính toán, qua đó tạo tiền đề cho việc áp dụng hệ thống World Handicap (WHS) vào tháng 01/2020.

Những golfer sử dụng như hệ thống tính handicap Quốc gia như VHandicap sẽ được tiếp cận với WHS sớm hơn.

Cách đây nhiều năm, hai tổ chức USGA & R&A đã phát triển WHS như một phần tất yếu để đồng bộ các công thức tính toán handicap, chủ yếu được tạo ra bởi các tổ chức quản lý handicap khác nhau trên thế giới như Golf Australia, CONGU (Council of National Golf Unions) ở Vương quốc Anh và Ireland, EGA (Hiệp hội golf châu Âu), SAGA (Hiệp hội golf Nam Phi), AAG (Hiệp hội golf Argentina), USGA.

Hệ thống mới được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: khuyến khích người chơi đạt điểm handicap và duy trì; giúp các golfer bất kể kỹ năng, giới tính hay quốc tịch có thể chuyển handicap đến tất cả các sân trên thế giới mà vẫn giữ sự công bằng; có thể xác định điểm số hợp lý của golfer ở bất kỳ sân golf nào trong điều kiện bình thường.

Những điểm đáng chú ý trong cách tính của WHS:

  • Hiện tại golfer cần phải có kết quả tối thiểu của 90 hố (hay 5 vòng 18 hố) mới có handicap cho bản thân. Tuy nhiên với WHS, người chơi chỉ cần nhập 54 hố (có thể kết hợp vòng 18 hố và 9 hố) để có handicap mới.
  • Handicap tối đa trên WHS cho cả nam và nữ là 54, thay vì 36.4 cho nam và 40.4 cho nữ như công thức cũ.
  • Điểm trung bình handicap sẽ được thay đổi dựa theo 8 kết quả tốt nhất trong 20 lần chơi gần nhất, thay vì 10 vòng tốt nhất như hiện tại.
  • WHS sẽ được cập nhật hàng ngày thay vì 2 lần trong một tháng để phù hợp với điều kiện sân và những thay đổi do yếu tố thời tiết.
  • Các golfer có thể bất ngờ có số gậy cao ở một hố, nhưng điều đó không phản ánh đúng khả năng của họ. Vì thế với hệ thống mới, điểm số của người chơi sẽ giới hạn xuống Net Double Bogey (chỉ dùng cho mục đích tính handicap).

Quá trình áp dụng WHS vẫn đang tiến triển và dự kiến các golfer sử dụng VHandicap sẽ nhanh chóng được chuyển đổi qua cách tính điểm handicap mới một cách nhanh chóng và dễ dàng bởi VGA luôn làm việc chặt chẽ với USGA và R&A. Như vậy các golfer Việt sẽ có một hệ thống tính handicap đơn giản, minh bạch và công bằng để có thể sử dụng từ sân này đến sân khác hoặc từ nước này sang nước khác, miễn nó tuân theo tiêu chí đánh giá Course and Slope Rating System của USGA.

1,5 tỷ đồng tiền thưởng tại giải Lexus Challenge 2019