Du lịch Golf Việt Nam: Không nhanh thời cơ sẽ vụt mất

  • Root
  • 14:20:00 23/11/2021

Buổi tọa đàm “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách Quốc tế” đã diễn ra thành công tốt đẹp và thu được nhiều kết quả tích cực.

Ngày 23/11 có lẽ sẽ đi vào lịch sử cho sự phát triển của golf tại Việt Nam, khi lần đầu tiên một buổi tọa đàm về du lịch golf với tên gọi “Du lịch golf – Lợi thế mới để Việt Nam hút khách Quốc tế” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long. Chương trình do Tổng cục Du lịch Việt Nam, UBND Tỉnh Quảng Ninh và tập đoàn FLC phối hợp tổ chức.

Buổi tọa đàm đầu tiên về Du lịch Golf tại Việt Nam. Ảnh: Quang Thắng

Buổi tọa đàm vinh dự có sự góp mặt của ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh. Sau hơn 5 tiếng diễn ra, buổi tọa đàm đã chỉ ra những tiềm năng, thách thức, cơ hội cũng như những việc phải làm để du lịch golf Việt Nam có thể phát triển trong thời gian sắp tới.

Tiềm năng và thách thức 

Năm 2021, Việt Nam đã vượt qua hàng loạt những ông lớn trên Thế giới như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc để được vinh danh là “Điểm đến golf tốt nhất Thế giới” do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng. Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu những sân golf được đánh giá là tốt và đẹp nhất châu Á như FLC Golf Club Ha Long, Ba Na Hills Golf Club hay The Bluffs Hồ Tràm Strip. Và theo ông Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam thì đây là một nền tảng không thể tốt hơn để phát triển du lịch golf tại Việt Nam:

“Chúng ta có tiềm năng rất lớn khi sở hữu hàng loạt những sân golf đẹp, cũng như được công nhận là “Điểm đến golf tốt nhất trên Thế giới". Trong những năm vừa qua, golf đã được đầu tư mạnh với số lượng sân golf và người chơi tăng lên đáng kể. Trong bối cảnh cả Thế giới đang phải sống chung với dịch thì du lịch golf có một tiềm năng rất lớn để phát triển và cần đẩy mạnh trong thời gian tới, vì đây là môn thể thao an toàn nhất vào thời điểm hiện tại. Tiềm năng du lịch golf tại Việt Nam là rất lớn, chúng ta cần phải làm bài bản, cũng như cần sự chung tay của cả xã hội để phát triển nhanh nhất trong thời gian tới”.

Buổi tọa đàm diễn ra cởi mở và thu được nhiều kết quả. Ảnh: Quang Thắng

Trên thực tế, những năm vừa qua du lịch golf chưa được chú trọng khi chỉ có 1% khách du lịch có nhu cầu chơi golf tới Việt Nam. Nhưng với những tiếng vang trong thời gian vừa qua, các giải thưởng đã được ghi nhận khiến cho bạn bè Thế giới tò mò và muốn tới Việt Nam để trải nghiệm, khám phá cũng như cảm nhận các sân golf. Trên Thế giới hiện tại có hơn 60 triệu người đang chơi golf, họ đều là những người có điều kiện kinh tế tốt và rất hào phóng trong chi tiêu. Nếu có thể chung tay đẩy mạnh du lịch golf trong thời gian tới thì đây sẽ là một tệp khách hàng mang tới giá trị kinh tế rất lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên đi đôi với tiềm năng cũng là những thách thức mà du lịch golf Việt Nam phải đối mặt. So với các nước ở Đông Nam Á, giá chơi golf của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Cùng với đó, nhân sự làm việc trong sân golf biết ngoại ngữ để giao tiếp với golfer nước ngoài vẫn chưa được các sân chú trọng đầu tư và phát triển. Ngoài ra, các công ty lữ hành cũng chưa tung ra các gói sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn với các du khách nước ngoài. Và trên tất cả golf vẫn chưa có được sự nhìn nhận công bằng tại Việt Nam.

“Golf chưa có được vị thế như một môn thể thao tại Việt Nam và thường được coi là sân chơi của giới thượng lưu. Bằng chứng là việc các sân golf đang bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 20%. Điều này khiến cho chi phí chơi golf đang cao hơn so với các nước Đông Nam Á.” – Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch golf Việt Nam chia sẻ.

Không nắm bắt nhanh thì cơ hội sẽ vuột mất

Vừa qua, Chính phủ đã thí điểm mở cửa  du lịch cho các khách nước ngoài tại 5 địa phương gồm Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ninh. Theo khảo sát của tổng cục du lịch, trong 100 khách tới Phú Quốc vừa qua thì 30% trong đó có nhu cầu chơi golf, một con số cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành du lịch này.

“Du lịch golf đang là xu hướng du lịch mới và phát triển rất nhanh đặc biệt trong mùa dịch. Chính vì vậy tổng cục du lịch khuyến khích các địa phương đưa du lịch golf trở thành trọng điểm trong thời gian tới. Chúng ta cần phải chung tay, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, cũng như các sân golf cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh ngành dịch vụ này. Không nắm bắt nhanh thì cơ hội sẽ tuột mất” – Ông Hà Văn Siêu chia sẻ.

Ông Đỗ Việt Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn FLC phát biểu trong buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Thắng

Nắm bắt được cơ hội và xu thế, tập đoàn FLC đã đi đầu trong việc phát triển du lịch golf tại Việt Nam. Với lợi thế khi sở hữu nhiều sân golf đẹp như FLC Golf Links Sam Son, FLC Golf Links Quy Nhon hay FLC Golf Club Ha Long. Cùng với những khu nghỉ dưỡng 5 sao với đầy đủ tiện nghi hiện đại và sang trọng nhất, tập đoàn FLC đã mạnh dạn đưa ra các gói du lịch nghỉ dưỡng đi kèm chơi golf với giá thành vô cùng hợp lý và được du khách nước ngoài đón nhận. Cụ thể đã có gần 30 đơn vị lữ hành của Hàn Quốc ký cam kết với tập đoàn FLC để đưa khách sang Việt Nam chơi golf cũng như du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Việt Hùng – Phó TGD Tập đoàn FLC, Tổng GĐ FLC Biscom thì ngành du lịch golf Việt Nam còn rất non trẻ và cần sự chung tay của toàn xã hội:

“Để du lịch golf phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, chính phủ, bộ văn hóa và tổng cục du lịch cần đẩy nhanh chính sách mở cửa cho các tỉnh đón khách Quốc tế như Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng,… để khách nước ngoài có thêm nhiều sự lựa chọn. Các địa phương, cũng như các sân golf cũng cần có sự hợp tác và liên kết để các golfer có điều kiện trải nghiệm nhiều sân golf. Cùng với đó các cấp lãnh đạo cũng cần xây dựng một quy chuẩn đón khách du lịch chung để các địa phương cùng áp dụng.”

Bên cạnh đó các sân golf cũng cần phải thường xuyên bảo trì, nâng cấp các cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với các đối thủ tới từ các nước khác tại Đông Nam Á. Đào tạo đội ngũ caddie dồi dào về số lượng và không ngừng gia tăng chất lượng chuyên môn, đặc biệt là về ngoại ngữ để giao tiếp với các du khách nước ngoài. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt với các golfer cũng như thu hút thêm nhiều khách du lịch tới trải nghiệm.

FLC Biscom ký kết hợp tác với sân golf Tuần Châu. Ảnh: Quang Thắng

Cuối buổi tọa đàm là buổi ký kết hợp tác giữa tập đoàn FLC Biscom và sân golf Tuần Châu đánh dấu sự hớp tác toàn phần giữa 2 sân golf đẹp và lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh vào thời điểm hiện tại. Đây là bước đi đầu tiên của tập đoàn FLC để phát triển du lịch golf tại Quảng Ninh nói riêng, và Việt Nam nói chung.