4 điều cần biết về sân golf tổ chức giải Arnold Palmer Invitational

Trong tuần này, PGA Tour trở lại với sự kiện Arnold Palmer Invitational - một trong những giải đấu quan trọng trên hệ thống - diễn ra trên sân Championship thuộc Bay Hill Club and Lodge, được đánh giá là một trong 15 sân golf khó nhất trên Tour mùa giải trước.

Thời điểm thành lập

Sân Championship (Championship Course) thuộc Bay Hill Club and Lodge được thiết kế bởi kiến trúc sư Dick Wilson và hoàn thiện phần xây dựng bởi Rob Simmons vào năm 1961. Tên của sân golf (Bay Hill) được tạo thành từ việc nó nằm giáp với phần vịnh ở phía tây bắc và những ngọn đồi bao quanh khu vực này.

Ảnh: PGA Tour

Đến năm 1965, golfer huyền thoại Arnold Palmer đã thể hiện sự đam mê với sân Bay Hill sau chiến thắng lần đầu tiên tại đây khi tham dự một sự kiện từ điển. 10 năm sau, ông quyết định mua sân golf này và làm chủ sở hữu cho đến lúc qua đời vào năm 2016. Đích thân Palmer đã đứng ra giám sát việc cải tạo những vị trí quan trọng trên sân Championship vào năm 2009.

Hiện tại địa điểm này thuộc sự quản lý của con rể Palmer. Trong tuần lễ từ ngày 07/03 đến 10/03, nơi đây sẽ diễn ra Arnold Palmer Invitational, một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhất ở PGA Tour, đồng thời kỷ niệm 40 năm kể từ khi giải đấu này được thành lập (kế thừa từ sự kiện Florida Citrus Open Invitational).

Thiết kế

Sân Championship hiện nay gồm có 18 hố (par-72) với chiều dài lên đến 7.381 yard. Địa hình tại sân golf này được đánh giá khá rõ ràng khi người chơi có thể quan sát hầu như tất cả và không gặp phải điểm mù nào. Bên cạnh đó các vùng green trên sân cũng được nâng lên cao để cải thiện tầm nhìn. Đây cũng là sân golf đầu tiên sử dụng loại cỏ Tifway Bermuda nổi tiếng trên vùng fairway và green.

Ảnh: PGA Tour

Dù vậy với rất nhiều bunker và bẫy nước tại các hố, sân golf này mang đến độ thử thách rất cao, nhất là khi sau quá trình cải tạo bởi Palmer vào năm 2009 với rất nhiều thay đổi. Nổi bật nhất trong số này chính là việc 4 hố được kéo dài ra khiến cho số gậy chuẩn từ par-71 thay đổi thành par-72.

Hố đấu khó nhất

Nằm trong danh sách 15 hố par-3 khó nhất ở PGA Tour hồi năm ngoái, hố số 2 (par-3, dài 231 yard) của sân Championship luôn khiến nhiều golfer phải vất vả để vượt qua. Dù chỉ là hố par-3 dài thứ hai trên sân, nhưng số điểm trung bình tại hố này lại cao nhất (3,254). Điểm par ở hố này không phải là kết quả tồi bởi nơi đây có tỷ lệ đạt điểm bogey cao nhất tại Bay Hill.

Ảnh: PGA Tour

Sau quá trình cải tạo khiến cho vị trí green thay đổi cùng việc đẩy khu vực phát bóng lùi về phía sau, hố này đã trở nên dài hơn và đầy thách thức với các golfer. Để an toàn vượt qua hố này, người chơi thường phát bóng về khu vực bên phải vùng green, nơi mà bóng lặn từ phải sang trái.

Hố đấu dễ nhất

Ngược lại, hố số 16 (par-5, dài 511 yard) lại nằm trong số 10 hố par-5 dễ nhất trên PGA Tour vào năm 2018. Trong số các hố par-5 ở sân này, đây là hố có số điểm trung bình thấp nhất (4,354), đồng nghĩa với việc kết thúc hố này ở 4 gậy khá dễ dàng do người chơi chỉ cần tránh bunker và hàng cây ở bên phải fairway.

Ảnh: PGA Tour

Những golfer có cú phát bóng tốt trên Tour sẽ dễ dàng đưa bóng đến vùng green chỉ sau 2 đợt đánh, miễn là họ có thể tránh được khu vực bẫy nước ở ngay trước green. Ngoài ra vùng green này còn được bảo vệ bởi những bunker ở phía trước, phía sau và bên phải. Tuy nhiên với một cú đánh approach quyết đoán, việc ghi điểm birdie ở đây không hề khó khăn.

Cập nhật - FLC Golf Championship 2019: Golfer Lê Hùng Nam để “tuột” mất giải Nhất bảng A trong ngày thi đấu thứ 2