Vhandicap giúp chấm dứt mọi tranh cãi về vấn đề điểm chấp.

Trước khi hệ thống VHandicap (hệ thống HCP quốc gia) ra đời, các golfer Việt luôn dùng Handicap (HCP) được lấy từ CLB hoặc qua ứng dụng khác như Misa hay EHandicap. Tuy nhiên, những tranh cãi về điểm chấp của golfer trong mỗi giải golf phong trào lại luôn là vấn đề nan giải…

Golf Việt trước khi VHandicap ra đời

Đến với Việt Nam chậm hơn so với những nước láng giềng nên hệ thống HCP quốc gia cũng phát triển cùng tốc độ. Nếu tại các nước như Thái Lan, Malaysia… hệ thống HCP quốc gia phát triển mạnh mẽ từ rất sớm, thì tại Việt Nam, các golfer luôn dùng HCP từ nhiều ứng dụng khác nhau như Misa, EHandicap, HCP được lấy từ các sân golf.

Mặc dù vấn đề này gần như không gây quá nhiều khó khăn hay trở ngại gì trong việc chơi golf và thi đấu tại các giải phong trào ở thời kì sơ khai nhưng theo thời gian phát triển ngày một vượt bậc của golf Việt, việc thống nhất một chuẩn HCP cụ thể lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Trước đây, khi tổ chức giải đấu, Ban tổ chức thường phải xác nhận lại HCP của người chơi từ CLB hay sân golf mà người chơi đăng ký để làm cơ sở tính điểm trong giải. Việc này tiêu tốn rất nhiều thời gian và thiếu hụt sự chính xác, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn khi xác định golfer được giải.

Sự việc trên đã xảy ra rất nhiều tại các giải golf phong trào, một phần do người chơi khi trình HCP lúc đăng ký không chính xác và Ban tổ chức giải không kiểm tra lại. Phần khác là do ở thời điểm bấy giờ, Việt Nam đang tồn tại nhiều nguồn HCP khác nhau dẫn đến tình trạng không đảm bảo tính công bằng và không phản ánh đúng khả năng chơi golf của golfer. Ví dụ, một golfer lấy HCP của mình tính tại sân golf Chí Linh áp dụng khi chơi tại sân golf Đại Lải đã mang những sai lệch nhất định, bởi lẽ độ khó của 2 sân golf này khác nhau. 

Trước tình hình trên cùng những trăn trở cải thiện vấn đề quản lý HCP của golfer, cũng như thuận tiện cho việc tổ chức giải đấu, Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã hợp tác cùng Công ty Cổ phần Dịch vụ Golf Việt Nam (VGS) phát triển hệ thống HCP quốc gia chính thức với tên gọi tắt là Vhandicap và được cấp phép bởi USGA. Đây là một hệ thống cập nhật HCP của tất cả các golfer Việt Nam và được trông đợi sẽ giải quyết tất cả những vấn đề về HCP cho các golfer.

Họp báo công bố ra mắt ứng dụng VHandicap vào tháng 1/2018

Tuy nhiên, ở thời điểm mới ra mắt, những ý kiến trái chiều cũng được đưa ra về ứng dụng mới này. Bên cạnh những đánh giá tốt về ý tưởng, ủng hộ một hệ thống chuẩn và thống nhất trên toàn quốc ra đời, một bộ phận các golfer cũng do dự rằng thời điểm trên có phải là quá muộn so với các ứng dụng tính HCP mà số đông đang sử dụng như Misa, EHandicap… bởi họ hoàn toàn không có gì để phàn nàn. Bên cạnh đó, phương án thu hút các golfer chuyển sang ứng dụng mới cũng là một vấn đề gây trăn trở của những nhà sáng lập.

Vhandicap và những chuyển biến

HCP chính là thước đo khả năng và phản ánh sự trung thực của một golfer, tuy nhiên, việc xác định HCP để kiểm tra trình độ bản thân và cung cấp cho các nhà điều hành lại là một vấn đề nan giải. Đối với những golfer đăng ký HCP tại sân, họ luôn gặp trở ngại bởi golfer chơi ở rất nhiều sân và không thể nhập Scorecard ở sân này vào sân kia nên rất khó để phản ánh đúng trình độ. Chính vì vậy, VHandicap chính là giải pháp cũng như câu trả lời cho vấn đề nhức nhối này. Không chỉ có thể cập nhật được toàn diện phong độ của các golfer qua các sân khác nhau, các golfer còn theo dõi được “đối thủ” của mình thông qua BXH trên toàn quốc luôn được cập nhật ở các mức trình độ khác nhau, nhờ đó mỗi golfer có thêm động lực để luyện tập nhiều hơn, tạo sự ganh đua trên bảng xếp hạng handicap của toàn bộ cộng đồng. Điều này sẽ tạo ra niềm hứng khởi, kích thích sự phấn đấu mang tính thể thao lành mạnh, thúc đẩy phong trào golf nghiệp dư trong nước vàà chất lượng golf Việt sẽ dần được cải thiện. 

Ngoài việc góp phần minh bạch hơn Hancicap người chơi, VHandicap còn tạo cho cộng đồng golfer sử dụng hệ thống tính điểm này không gian để tương tác, chia sẻ, kết giao và tự giám sát nhau… 

Golfer Nguyễn Thị Thu Hà, người dùng thứ 10.000 của ứng dụng VHandicap.

Theo đó, kể từ khi chính thức phát hành từ 5/01/2018 đến hết tháng 6/2019, hệ thống tính điểm handicap quốc gia (Vhandicap) đã cán mốc hơn 20.000 thành viên tham gia và đến nay vẫn còn tăng số lượng đáng kể. Con số này đã chứng minh việc đưa vào áp dụng Hệ thống tính điểm chấp Quốc gia (Vhandicap), theo tiêu chuẩn và được cấp phép bởi Hiệp hội Golf Hoa Kỳ (USGA) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các golfer, BTC các giải golf, các sân golf, các CLB, các hội golf địa phương và cơ quan quản lý golf quốc gia – Hiệp hội Golf Việt Nam. 

Những lợi ích cụ thể mà VHandicap đã mang lại:

- Đối với người chơi golf: Có một handicap chính thức và thống nhất trên toàn quốc được quốc tế công nhận (có thể sử dụng để tham dự các giải golf quốc tế và có chứng chỉ chấp nhận được chơi trên những sân golf tại Châu Âu); Các golfer có thể dễ dàng tra cứu handicap của bản thân cũng như của người chơi khác thông qua các phương tiện phổ biến hiện nay như điện thoại, máy tính...

- BTC các giải golf phong trào đã dễ dàng kiểm tra và cập nhật nhanh chóng handicap của các VĐV đăng ký tham dự giải. Hạn chế gian lận HCP và tạo sự công bằng khi đăng ký. Thông tin về golfer rất đầy đủ, chỉ cần có số định danh (ví dụ: VGA01) nhà tổ chức sẽ biết tất cả thông tin cá nhân có liên quan đến golf của người đó như cỡ giày, áo, găng tay… tạo điều kiện dễ dàng trong việc chuẩn bị hậu cần.

- Đối với các sân golf: Dễ dàng hơn trong việc quản lý handicap của hội viên và khách lẻ (khi hội viên của sân mình chơi tại các sân golf khác cũng như khi hội viên của sân khác chơi tại sân mình); Tăng cường tiện ích cho hội viên khi họ có thể dễ dàng kiểm tra handicap của mình hay của bạn chơi trên ứng dụng di động, thay vì phải lên web hay gọi điện thoại trực tiếp hỏi sân golf như hiện nay. Đội ngũ kỹ thuật của VGA và VGS sẽ duy trì và hỗ trợ 24/24 đảm bảo cho hệ thống vận hành hoàn hảo và cập nhật kịp thời.

Bảng xếp hạng các golfer single handicap

- Đối với Hiệp hội Golf Việt Nam: Có thể xếp hạng trình độ người chơi golf tại Việt Nam dựa trên thông tin do Vhandicap cung cấp; Dễ dàng tổ chức các giải golf Nghiệp dư áp dụng handicap, giúp tăng số lượng các giải golf nghiệp dư phong trào bên cạnh các giải nghiệp dư quốc gia đỉnh cao; Có căn cứ để xác nhận handicap cho các golfer Việt Nam tham dự các giải golf quốc tế; 

Cuối cùng sự xuất hiện của hệ thống tính handicap quốc gia còn góp phần giúp nhiều golfer ngoại quốc đang làm việc và sinh sống lâu dài ở nước ta có handicap hợp lệ để tham gia vào các hoạt động golf phong trào tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong mỗi sự phát triển cũng đều cần thời gian để điều chỉnh những mặt còn hạn chế, theo golfer Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ, dù đã có một hệ thống HCP quốc gia nhưng việc nộp scorecard như thế nào cũng là một vấn đề nên cân nhắc lại. “Trước khi VHdandicap ra đời thì tôi chỉ dùng HCP tại sân golf Sông Bé thôi nên việc VHandicap ra đời tôi thấy cũng mang lại lợi ích rất nhiều cho BTC các giải. Nhưng tôi là một người không thường xuyên cập nhật scorecard nên thành tích của tôi hiện tại trên VHandicap chưa phản ánh được đúng hoàn toàn thực tế. Tôi cho rằng VHandicap nên bổ sung thêm những quy định về thời gian tối thiểu phải nộp lại scorecard để tránh trường hợp dù golfer không chơi quá lâu những lại vẫn giữ được thành tích tốt trên hệ thống chung. Như vậy sẽ gây mất công bằng cho những golfer tích cực tham gia thi đấu, luyện tập”, chị nói.

Ông Hoàng Xuân Quang – Chủ nhiệm CLB Golf Tân Sơn Nhất

Mặt khác, ông Hoàng Xuân Quang – Chủ nhiệm CLB Golf Tân Sơn Nhất – một golfer sử dụng VHandicap từ rất sớm cho rằng cách vận hành của Vhandicap rất khoa học, tạo sự tin cậy cho golfer và phần lớn các golfer trên cả nước đang sử dụng. “Tuy nhiên, dù nhiều golfer sử dụng VHandicap nhưng họ vẫn đang sử dụng song song với HCP sân. Để thống nhất hơn nữa và thu hút được nhiều golfer sử dụng VHandicap, tôi nghĩ cần đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ và tiện ích. Nhất là trong việc cập nhật chính xác scorecard”.

Bảng xếp hạng FedEx Cup thay đổi thế nào sau The Northern Trust?