Presidents Cup 2019: Những khó khăn của tuyển Quốc tế

Không chỉ bị đánh giá thấp hơn, tuyển Quốc tế của đội trưởng Ernie Els còn phải đối mặt với nhiều thử thách trước thềm Presidents Cup 2019.

Cán cân trái ngược

Khác với Ryder Cup, tuyển Mỹ đã cho thấy sự thống trị ở Presidents Cup kể từ khi giải đấu đồng đội diễn ra hai năm một lần này ra đời vào năm 1994. Điều đó được thể hiện qua việc họ có 10 lần chiến thắng và chỉ nhận một thất bại trong 12 giải đã qua, bên cạnh trận hòa duy nhất ở Nam Phi vào năm 2003.

Presidents Cup 2019 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 15/12. (Ảnh: PGA Tour)

Chính vì thế mà tuyển Quốc tế tất nhiên nằm ở cửa dưới như những giải gần nhất. Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi đối thủ của họ quy tụ những gương mặt hàng đầu hiện nay như Tiger Woods, Justin Thomas hay Dustin Johnson. Nếu so sánh về thứ hạng trung bình trên BXH thế giới, chắc chắn tuyển Quốc tế cũng rơi vào thế bất lợi bởi golfer xếp cao nhất là Adam Scott chỉ ở vị trí 18.

Do đó cơ hội để tuyển Quốc tế tái lập chiến thắng thần kỳ vào năm 1998 trên sân Royal Melbourne - cũng là nơi đăng cai Presidents Cup 2019 dường như không nhiều. Thế nhưng golf vốn là môn thể thao chứa đựng nhiều bất ngờ và đội trưởng Ernie Els hiểu rằng chỉ có đoàn kết mới giúp họ đi vào lịch sử một lần nữa.

“Hiệu ứng” Ernie Els

Với vai trò đội trưởng tuyển Quốc tế, Ernie Els chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết các thành viên đến từ các nơi trên thế giới cũng như tạo ra niềm cảm hứng để họ hoàn thành mục tiêu chiến thắng trong tương lai. Về cơ bản, Els chính là người lãnh đạo phù hợp nhất với tuyển Quốc tế lúc này xét theo nhiều yếu tố.

Đầu tiên là về khả năng chơi golf không thể bàn cãi khi ông đang sở hữu đến 4 danh hiệu major, chỉ đứng sau sáu golfer khác nếu tính những người có quốc tịch ngoài Mỹ. Tiếp đến thành tích của Els tại Presidents Cup cũng rất đáng nể với kết quả 20-18-2 (thắng-thua-hòa) trong bối cảnh mà tuyển Quốc tế đều bại trận trừ năm 1998, giúp ông nhận được sự tôn trọng từ giới chuyên môn.

Ernie Els có màn tái ngộ đặc biệt với Tiger Woods khi cả hai đảm nhận vị trí đội trưởng. (Ảnh: Presidents Cup)

Tiếp đến là khả năng hòa hợp khi golfer người Nam Phi luôn thân thiết với các thành viên kỳ cựu trong tuyển hiện tại như Adam Scott hay đồng hương Louis Oosthuizen. Bên cạnh đó ông còn tạo ra sự gắn kết với những gương mặt trẻ khi cùng họ tham dự các giải đấu trên PGA hoặc European Tour. Xét về mối quan hệ giữa đội trưởng và thành viên, Els mang đến nhiều điều tích cực hơn những người tiền nhiệm khó gần như Gary Player hay David Graham.

Ngoài ra Els còn tăng cường sự đoàn kết trong đội khi luôn yêu cầu các thành viên tham dự vòng đánh tập cùng nhau nhiều nhất có thể ở các giải đấu. Quan trọng hơn, ông đã cho ra mắt một logo đại diện chung cho tuyển Quốc tế, giúp họ cùng nhau thi đấu dưới một màu cờ sắc áo. Có thể nói với những phẩm chất của một lãnh đạo, Els xứng đáng với vai trò đội trưởng tuyển Quốc tế lúc này hơn bất kỳ ai.

Phá vỡ “bức tường” quốc gia

Không giống với tuyển châu Âu ở Ryder Cup, nơi mà tất cả thành viên đều đến từ lục địa già, tuyển Quốc tế tại Presidents Cup và đội trưởng luôn phải đối mặt với bài toán khó khăn trong việc tìm ra cặp đấu ăn ý và phù hợp với chiến thuật nhất. Rất nhiều vấn đề được đưa ra như ai sẽ đánh tốt cùng ai hay họ sẽ giao tiếp với nhau như thế nào chính là những ví dụ đơn giản nhất.

Việc ra mắt logo tuyển Quốc tế là một bước đi cần thiết giúp các thành viên đoàn kết hơn. (Ảnh: PGA Tour)

Đó là bài toán mà Els sẽ phải giải quyết khi tuyển Quốc tế mang đến đội hình có nhiều quốc tịch nhất trong lịch sử Presidents Cup, bao gồm 12 golfer đến từ chín quốc gia: Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Nam Phi. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu Els có thể giúp các thành viên nhìn về một hướng hay không, tuy nhiên với việc ra mắt logo chung, tuyển Quốc tế đã cho thấy một sự đoàn kết khác biệt so với những năm trước.

Đó là một nhóm các golfer đặc biệt đến từ mọi nơi trên thế giới, tập hợp với nhau để tạo nên tuyển Quốc tế”, Els chia sẻ trong buổi công bố logo đội tuyển. “Bởi đến từ nhiều nơi khác nhau, chúng tôi không thi đấu dưới cùng một ngọn cờ. Vì thế nhóm quy tụ những con người đặc biệt này cần một thứ gì đó để tạo nên điểm chung và dễ nhận diện. Chúng tôi cảm thấy cần phải có một logo cho chính mình”.

Lợi thế sân nhà không còn

Việc trở lại sân Royal Melbourne đem đến nhiều ký ức tốt đẹp cho Els, người đã cùng tuyển Quốc tế giành chiến thắng duy nhất ở Presidents Cup 1998 tại đây với tỷ số cách biệt 20,5 – 11,5. Đội hình lần này sẽ nhận được sự cổ vũ lớn từ khán giả nhà khi có đến bốn golfer mang quốc tịch Australia.

Ernie Els và các thành viên liệu sẽ giúp tuyển Quốc tế chấm dứt chuỗi trắng tay hơn 10 năm ở Presidents Cup? (Ảnh: Presidents Cup)

Tuy nhiên việc thi đấu ở Royal Melbourne cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm bởi nơi đây không còn mang đến lợi thế sân nhà nhiều như xưa. Do sân này không tổ chức các sự kiện golf quan trọng, đặc biệt là Australia Open trong những năm gần đây, phần lớn thành viên của tuyển Quốc tế trừ Cameron Smith hay Marc Leishman sẽ có lần đầu tiên thi đấu chính thức trên Royal Melbourne. Đây là sự khác biệt lớn so với năm 1998, thời điểm mà nơi này luôn tổ chức các giải đấu lớn hàng năm.

Trong quá khứ, nỗi lo trên đã một lần xuất hiện khi tuyển Quốc tế dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Greg Norman đã chịu thất bại 15-19 khi quay về Royal Melbourne. Lợi thế về chiều dài sân trước kia nay đã không còn nữa khi khoảng cách phát bóng của các golfer, đặc biệt là người Mỹ ngày càng tăng lên.

Với những khó khăn nói trên, rõ ràng Els và tuyển Quốc tế cần phải tập trung hiểu rõ sân đấu trước khi tham chiến, yếu tố từng được đội trưởng Thomas Bjorn áp dụng và thu về thành công trước tuyển Mỹ trong kỳ Ryder Cup năm ngoái.

Golfer Bùi Thị Phương và Nguyễn Bá Ngọc: 2 nhà vô địch mới của EVGA Tour