Những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử của Ryder Cup

Trước kỳ Ryder Cup lần thứ 43 tại Whisling Sraits, chúng ta hãy cùng nhìn lại một số khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Ryder Cup kể từ khi được tổ chức trở lại vào năm 1947 tại Worcester Country Club. Qua 42 lần tổ chức, đội tuyển Mỹ đang vượt trội hơn với thành tích 26 trận thắng, 14 trận thua và 2 lần giải đấu khép lại với kết quả hòa.

Trong vòng 50 năm (từ 1927 đến 1977), Ryder Cup là giải đấu chính thức giữa Đội tuyển Mỹ và Đội tuyển Anh. Sau mùa giải 1977, cuộc thảo luận giữa Jack Nicklaus và Chủ tịch PGA Earl of Derby đã đề nghị mở rộng thành giải đấu giữa Mỹ và Châu Âu nhằm khiến cho giải đấu có tính cạnh tranh hơn. Việc tuyển các tay golf khác từ Châu Âu đã giúp cuộc đấu giữa 2 bên cân bằng hơn sau nhiều năm Mỹ luôn chiếm ưu thế. Ryder Cup chính thức trở thành cuộc đối đầu giữa Châu Âu và Mỹ kể từ năm 1979.

Dưới đây là những khoảnh khắc đáng nhớ qua các kỳ Ryder Cup:

Năm 1947: Mỹ - 11 và Anh – 1

Ben Hogan (trái), Đội trưởng tuyển Mỹ nhận Cúp từ Robert Hudson, nhà tài trợ của Ryder Cup vào 02/11/1947 tại Portland, Oregon. Đội Mỹ đã đánh bại đội Anh với tỷ số 11-1 để giữ lại chiếc cúp. Đứng thứ hai từ trái sang là Ed Dudley, và bên phải là Henry Cotton, đội trưởng của tuyển Anh. (Ảnh AP)

Sau 10 năm không thể tổ chức vì Chiến tranh Thế giới thứ 2, Ryder Cup trở lại vào năm 1947 nhờ sự tài trợ của Robert A. Hudson, chiếc cúp Ryder Cup ngày nay chính là do Hudson đặt làm cho giải. Đây cũng là lần đầu tiên Đội tuyển Mỹ lựa chọn thành viên qua hệ thống tính điểm.

Năm 1963: Mỹ - 23 và Anh – 9

Arnold Palmer (bên trái) - Đội trưởng Mỹ cầm cúp chiến thắng cùng với đội trưởng John Fallon của đội Anh tại East Lake Country Club ở Atlanta vào 13/10/1963. Đội Mỹ đã đánh bại người Anh với tỷ số 23-9. (Ảnh AP/Horace Cort)

Năm 1963 đánh dấu lần cuối cùng Ryder Cup có một người giữ hai vai trò vừa là đội trưởng và vừa thi đấu. Arnold Palmer khi đó là  golfer số 1 Thế giới và ông được tín nhiệm giao cho vị trí đội trưởng tuyển Mỹ, dù đó mới là lần thứ 2 Arnold Palmer dự Ryder Cup và ông đã đóng góp 4 điểm vào chiến thắng của Mỹ. Đây cũng là năm Ryder Cup có thêm thể thức thi đấu Fourball và số trận đấu tăng lên thành 32. 

Năm 1983: Mỹ - 14,5 và Châu Âu – 13,5

Đội tuyển Mỹ kỷ niệm chiến thắng Ryder Cup 1983 tại Palm Beach Gardens. 

Năm 1983, lần thứ 3 Ryder Cup là cuộc đấu giữa Mỹ và Châu Âu. Đây là lần đầu tiên Đội tuyển Mỹ được dẫn dắt bởi đội trưởng Jack Nicklaus và đối đầu với ông là đội trưởng Tony Jacklin. Giải đấu diễn ra tại PGA National Golf Club rất hấp dẫn với thế trận cân bằng của 2 bên, lần đầu tiên sau 2 ngày thi đấu hai đội có kết quả hoà. Ở loạt trận Single Match, Tony Jacklin đã tung golfer xuất sắc nhất Châu Âu thời điểm đó là Seve Ballesteros ra quân ngay trận đầu tiên. Mặc dù dẫn trước Fuzzy Zoeller 3 Up sau 9 hố đầu tiên, nhưng Seve Ballesteros đã để đối thủ cân bằng điểm số khi hết hố 17. Ở hố 18, Seve Ballesteros đã có cú đánh được xếp hạng vĩ đại nhất trong lịch sử Ryder Cup bằng gậy 3 gỗ từ khoảng cách 240 yard ở mép bunker đến rìa green và sau đó ghi điểm par để có một trận hoà. Tuy nhiên, chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về tuyển Mỹ khi Tom Watson là người đã mang về điểm số quyết định sau khi đánh bại Bernard Gallacher trong trận đấu cuối cùng. 

Đây là chiến thắng thứ 13 liên tiếp của đội tuyển Mỹ tại Ryder Cup và tính đến nay thì đây là lần cuối cùng họ giành được cúp trên sân khách.

Năm 1985: Mỹ - 11,5 và Châu Âu – 16,5

Tuyển Châu Âu ăn mừng chiến thắng trên sân nhà tại Ryder Cup 1985.

Lần thứ hai Tony Jacklin làm đội trưởng tuyển Châu Âu và thất bại 2 năm trước đó đã cho ông nhiều kinh nghiệm hơn khi trở về sân nhà. Tuyển Châu Âu năm đó là một tập thể già dơ khi chỉ có duy nhất 1 tân binh là José Rivero. Và kinh nghiệm đã giúp Châu Âu chiếm ưu thế khi dẫn trước 9-7 sau những trận đấu đôi. Trong ngày thi đấu cuối cùng tại The Belfry, Sutton Coldfield. Tuyển Châu Âu đã có 7 trận thắng, cùng 1 trận hoà, trong đó Sam Torrance là người mang về điểm số quyết định với cú putt birdie dài 18 feet ở hố thứ 18. Đội tuyển Châu Âu lần đầu tiên chiến thắng tại Ryder Cup và mở màn cho quãng thời gian thống trị của các golfer tới từ lục địa già tại 2 kỳ Ryder Cup tiếp theo. 

Năm 1987: Mỹ - 13 và Châu Âu – 15

Seve Ballesteros (bên trái) và đội trưởng Tony Jacklin ăn mừng khi châu Âu giành chiến thắng Ryder Cup đầu tiên trên đất Mỹ vào năm 1987 tại Muirfield Village ở Dublin, Ohio.

Sau khi đứt mạch 13 lần giữ cúp khi để thua vào năm 1985, tuyển Mỹ tiếp tục nhận kết quả buồn trên sân nhà. Trong lần thứ 2 gặp lại Jack Nicklaus, đội trưởng Tony Jacklin đã trả được món nợ 4 năm trước. Tại Muirfield Village Golf Club, Seve Ballesteros khi đó là golfer số 2 Thế giới và ông chính là nhân tố quan trọng nhất trong chiến thắng thứ 2 của Châu Âu. Seve Ballesteros và golfer đồng hương José María Olazábal đã hợp tác để giành chiến thắng 3 trong số 4 trận đấu của họ và góp phần giúp châu Âu dẫn 5 điểm trước khi bước vào loạt trận cuối cùng. Trong ngày Single Match, mặc dù tuyển Mỹ có 5 chiến thắng trong 7 trận đầu tiên để rút ngắn cách biệt. Nhưng Ballesteros đã kết thúc hi vọng ngược dòng của người Mỹ khi ông đánh bại Curtis Strange 2&1 để mang về điểm số quyết định.  

Tony Jacklin tiếp tục được chọn làm đội trưởng của Châu Âu ở kỳ Ryder Cup 1989, ông đã đi vào lịch sử khi trở thành đội trưởng đầu tiên có 3 lần liên tiếp được nâng cúp khi Châu Âu và Mỹ hoà nhau 14 - 14.

Năm 1991: Mỹ - 14,5 và Châu Âu – 13,5

Các thành viên tuyển Mỹ ăn mừng trên bãi biển sau chiến thắng tại Ryder Cup tại Kiawah Island ở Nam Carolina. (Ảnh của Simon Bruty / Getty Images)

Sau 3 lần liên tiếp để cho Châu Âu giành cúp, cuối cùng tuyển Mỹ cũng tìm lại được niềm vui chiến thắng. Tại Kiawah Island Golf Resort, tuyển Mỹ đã thắng đối thủ với kết quả 14,5-13,5, một chiến thắng kịch tính và được quyết định bằng chính sai lầm của đối thủ. Trong trận Single Match cuối cùng, khi kết quả đang là 14-13 nghiêng về Mỹ, nếu golfer người Đức Bernhard Langer giành chiến thắng trước Hale Irwin thì Châu Âu tiếp tục giữ cúp. Tuy nhiên, tại green hố 18 Langer đã gạt trượt par từ khoảng cách 6 foot và trận đấu khép lại với kết quả hoà. Nửa điểm mà Hale Irwin có được đã giúp tuyển Mỹ giành lại chiếc cúp. 

Năm 1999: Mỹ - 14,5 và Châu Âu – 13,5

Justin Leonard ăn mừng sau cú putt birdie ở hố 17 The Country Club trong trận Single Match ở Ryder Cup 1999.

Đúng là kể từ khi Ryder Cup trở thành giải đấu giữa Mỹ và Châu Âu thì các cuộc đấu trở nên cân bằng và hấp dẫn hơn rất nhiều. Đến với Ryder Cup 1999, tuyển Châu Âu là đội đương kim vô địch sau 2 chiến thắng liên tiếp vào năm 1995 và 1997 đều cùng kết quả 14,5-13,5.

Tuyển Mỹ được đánh giá cao hơn rất nhiều khi có Tiger Woods - golfer số 1 Thế giới trong đội, cùng với đó không có thành viên nào nằm ngoài Top 30 Thế giới. Tuy nhiên, tại The Country Club (Massachusetts), Châu Âu mới là đội chiếm ưu thế khi dẫn trước với tỷ số 10-6 sau 2 ngày thi đấu đầu tiên và chỉ cần thêm 4 điểm trong 12 trận Single Match để giữ cúp. Nhưng bất ngờ đã xảy ra khi tuyển Mỹ đã hoàn thành một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Với 6 trận thắng đầu tiên trong ngày, tuyển Mỹ vươn lên dẫn trước 12-10. Các chiến thắng tiếp theo của Steve Pate và Jim Furyk đã đưa Mỹ dẫn 14-12. Và cuối cùng, người Mỹ giành lại Ryder Cup khi Justin Leonard có trận hoà với José María Olazábal. Trong trận đấu này, Leonard đã bị dẫn trước 4 Down sau khi hết 11 hố. Tuy nhiên anh đã san bằng cách biệt ở hố 15 và vươn lên dẫn trước 1 Up sau cú putt birdie 45 foot ở hố 17, qua đó đảm bảo cho anh nửa điểm và đảm bảo một chiến thắng cho người Mỹ. 

Năm 2006: Mỹ - 9,5 và Châu Âu – 18,5

Padraig Harrington, Paul McGinley và Darren Clarke ăn mừng sau khi tuyển Châu Âu vô địch Ryder Cup 2006.

Lần đầu tiên Ryder Cup được tổ chức tại Ireland nhưng là lần thứ 2 tuyển Châu Âu tái lập thành tích 3 lần liên tiếp giành cúp chiến thắng. Lee Westwood và Sergio Garcia là 2 người mang về nhiều điểm nhất cho Châu Âu với cùng 4 điểm. Hai golfer này sẽ cùng có mặt tại Ryder Cup 2021.

Năm 2016: Mỹ - 17 và Châu Âu – 11

Rory McIlroy  và Patrick Reed đã tạo nên 1 trong những trận Single Match hay nhất của Ryder Cup. (Ảnh của Andrew Redington / Getty Images)

Đội tuyển Mỹ trở về sân nhà tại Hazeltine National Golf Club, sau 3 trận thua liên tiếp và rất cần 1 chiến thắng và họ tin vào điều đó khi lịch sử Châu Âu chưa từng thắng 4 lần liên tiếp. Arnold Palmer đã qua đời 5 ngày trước khi bắt đầu giải đấu, và sự hiện diện của chiếc túi chơi golf của Palmer tại hố số 1 đã tạo ra một số nguồn cảm hứng tốt đẹp cho các thành viên tuyển Mỹ. Họ kết thúc ngày thi đấu đầu tiên với lợi thế dẫn trước 2 điểm và cách biệt tăng lên 3 điểm sau ngày thứ Bẩy. Patrick Reed và Jordan Spieth là cặp đôi ăn ý nhất của Mỹ khi mang về 2,5 điểm. Reed cũng là ngôi sao tại Hazeltin với thành tích 3-1-1, trong đó anh đã đánh bại Rory McIlroy ở trận đấu Single Match đầu tiên để tiếp thêm niềm tin cho các đồng đội. Mỗi thành viên của Đội tuyển Mỹ đều đóng góp ít nhất 1 điểm vào chiến thắng 17-11 của Mỹ, trong đó Brandt Snedeker kết thúc giải với thành tích 3 trận toàn thắng. 

Năm 2018: Mỹ - 10,5 và Châu Âu – 17,5

Francesco Molinari ăn mừng với Tommy Fleetwood sau khi thắng trận đấu của họ tại Le Golf National. (Ảnh của Ian Rutherford-USA TODAY Sports)

Tuyển Mỹ đã không giành chiến thắng trên sân khách kể từ năm 1993 và một Đội tuyển Châu Âu đầy quyết tâm do Thomas Bjorn làm đội trưởng đã tiếp tục kéo dài thêm quãng thời gian đó. Không có được sự chuẩn bị kỹ càng, cùng các vấn đề trong nội bộ đã khiến đoàn quân của Jim Furyk mất đi sự gắn kết ở các trận đấu đôi. Tuyển Châu Âu đã thống trị loạt trận Foursomes tại buổi chiều ngày khai mạc khi toàn thắng cả 4 trận và dẫn trước 10-6 trước loạt Single Match. Francesco Molinari và Tommy Fleetwood là cặp song sát của Châu Âu với 4 trận thắng. Chính Molinari là người đã mang về điểm số quyết định cho Châu Âu khi anh đánh bại Phil Mickelson 4&2 và anh trở thành golfer Châu Âu đầu tiên có trọn vẹn 5 điểm trong một kỳ Ryder Cup.