Nhìn lại 10 năm giải Vô địch golf Trung - Cao niên Quốc gia

Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, giải Vô địch Trung - Cao niên Quốc gia (Vietnam Senior Championship) đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống các giải golf nghiệp dư ở Việt Nam.

Ra đời trước nhu cầu phát triển

Năm 2007 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử golf nước nhà khi Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) ra đời. Sau khi thành lập, VGA đã lên kế hoạch và tổ chức nhiều giải đấu để thúc đẩy việc phát triển phong trào chơi golf ở mọi lứa tuổi. Trong đó, độ tuổi trung niên phần nào được chú trọng bởi họ chính là những đối tượng dễ dàng tiếp cận với bộ môn này, đồng thời có thể dễ dàng truyền cảm hứng cho các bậc hậu bối.

Golfer Trần Huy Quang, nhà vô địch đầu tiên của giải Trung - Cao niên Quốc gia. (Ảnh: Tiền Phong)

Năm 2008, Giải Vô địch Trung niên Quốc gia Việt Nam (Vietnam Senior Championship - VSC, hay Giải vô địch Trung - Cao Niên Quốc gia) lần đầu tiên được tổ chức trên sân Chí Linh Star Golf & Country Club với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo golfer có tiếng vào thời điểm đó ở 2 bảng Trung niên và Cao niên. Sự kiện ra đời cũng góp phần giải quyết được bài toán thiếu sân chơi bổ ích và cơ hội được cọ xát, giao lưu gặp gỡ giữa các golfer trên 45 tuổi có chung niềm đam mê.

Bên cạnh đó, việc có giải đấu dành riêng cho các golfer độ tuổi trung niên trở lên đã cho thấy định hướng đúng đắn trong việc phát triển golf ở Việt Nam. Bởi, nhìn vào các nước có nền golf tiên tiến, chúng ta đều thấy họ phân ra các hệ thống thi đấu rõ ràng cho 3 đối tượng riêng biệt gồm: giải trẻ, giải thanh niên và giải trung cao niên.

Top 3 bảng Nam Giải Trung - Cao niên Quốc gia 2018 (thứ hai từ trái qua): Nguyễn Tiến Long, Nguyễn Tuấn Anh, Triệu Văn Thao.

Trải qua 10 năm tổ chức (2008-2018), VSC đã có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình golf Việt Nam hơn như: tăng giới hạn tuổi lên ít nhất 50 đối với golfer nam, đồng thời lần đầu tiên tổ chức bảng Nữ (ít nhất 45 tuổi) vào năm 2018 để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của các đối tượng trung cao niên. Đặc biệt tính từ năm 2014 đến nay, giải đấu đã được đẩy mạnh công tác quảng bá và tổ chức với hình ảnh các golfer thi đấu được chăm chút hơn cùng đội ngũ trọng tài chuyên môn cao, nhờ đó tính chuyên nghiệp của sự kiện ngày càng được nâng tầm.

Qua 10 lần tổ chức, VSC dù vẫn còn một số hạn chế nhưng có thể nói sự kiện này đã đáp ứng phần nào mục đích đề ra. Qua đó, góp phần cho thấy ngay ở Việt Nam, những người lớn tuổi vẫn có thể chọn golf làm môn thể thao yêu thích và có thể tranh tài ở một sự kiện dành riêng cho họ ở tầm cỡ quốc gia.

Sự có mặt của các golfer nữ đem đến những màu sắc mới cho VSC 2018.

Trên thực tế, ở nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, còn có hệ thống giải chuyên nghiệp dành riêng cho các golfer lớn tuổi với khoản tiền thưởng hậu hĩnh mà rất ít môn thể thao nào so kịp. Tất nhiên vẫn còn một khoảng thời rất dài để golf Việt Nam có thể theo kịp, nhưng với sự đầu tư bài bản mà VGA đang dành cho cho các thế hệ, có thể tin rằng sân chơi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Những dấu ấn đáng nhớ

Bên cạnh Giải vô địch Nghiệp dư Quốc gia (VAO) hay Giải vô địch Trẻ Quốc gia (VJO), VSC là một trong số những sự kiện đem đến nhiều vinh quang cho những golfer xuất sắc giành chiến thắng toàn giải (Best Gross). Một số nhà vô địch sau đó vẫn tiếp tục thi đấu cho đến nay và sở hữu nhiều danh hiệu khác trong nước hay tham dự đấu trường VGA Union Cup danh giá.

Golfer Andrew Hùng Phạm trong lần thứ ba đăng quang VSC vào năm 2016. Bên trái anh là golfer Hoàng Hữu Như, nhà vô địch bảng Cao niên. (Ảnh: SGGA)

Trong số này, ấn tượng nhất chính là Andrew Hùng Phạm, người được xem là “anh cả” của cộng đồng golfer Việt Nam hiện nay. Trong 3 năm từ 2014 đến 2016, golfer sinh năm 1964 đã xuất sắc “lập hat-trick” 3 lần vô địch liên tiếp, một kỷ lục mà khó có golfer nào có thể tái hiện trong những năm tới. Bên cạnh đó golfer có lối đánh rất kỹ thuật này còn gây ấn tượng mạnh khi đăng quang ngay lần đầu tham dự vào năm 2014 trên sân golf Laguna Lăng Cô.

Đến năm 2017, Andrew Hùng Phạm có cơ hội rất lớn để kéo dài kỷ lục khi có cùng kết quả +10 gậy với Trần Khắc Nhã sau 2 vòng đấu. Tuy nhiên trong loạt play-off đầy căng thẳng trên sân Twin Doves, Khắc Nhã - người từng về nhì ở giải năm 2016 đã chơi ấn tượng hơn để lần đầu tiên chiến thắng ở VSC.

Golfer Trần Khắc Nhã xuất sắc đăng quang VSC 2017 sau khi về nhì ở mùa giải trước đó. (Ảnh: Quang Thắng)

Chỉ một năm sau đó, cuộc đua đến ngôi vô địch trên sân FLC Hạ Long còn gay cấn và hấp dẫn hơn khi những cái tên như Vũ Văn Tiến, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tiến Long, Triệu Văn Thao luân phiên thay đổi vị trí của nhau qua từng hố, so kè từng điểm một. Thậm chí cả những khán giả theo dõi trực tiếp khi đó cũng không đưa ra được nhận định ai sẽ giành chiến thắng cuối cùng.

Đến khi hoàn tất hố cuối cùng, một bất ngờ đã xảy ra khi có đến 3 golfer cùng tổng số gậy 154 là Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Tiến Long và Triệu Văn Thao nên cả ba phải bước vào trận play-off để phân ngôi vô địch. Ở hố đấu quyết định, Nguyễn Tuấn Anh đã xuất sắc ghi điểm par để lên ngôi Vô địch Trung – Cao niên Quốc gia Nam năm 2018.

Golfer Nguyễn Anh Tuấn vượt qua loạt play-off căng thẳng để đăng quang VSC 2018.

Danh sách các golfer Vô địch giải Vô địch Trung - Cao niên:

Năm 2008 (lần đầu tổ chức): Trần Huy Quang

Năm 2009: Mai Hồng Kỳ

Năm 2010: Dương Thanh

Năm 2011: Thiều Kim Quỳnh

Năm 2012: Nguyễn Tấn Lê

Năm 2013: Phan Văn Đức

Năm 2014, 2015, 2016: Andrew Hùng Phạm

Năm 2017: Trần Khắc Nhã

Năm 2018: Nguyễn Tuấn Anh (bảng Nam) / Nguyễn Thị Lạng (bảng Nữ)

Phân tích địa hình sân golf tổ chức Giải Vô địch Trung - Cao niên Quốc gia 2019