Jon Rahm và 2 mặt của một thiên tài

Cuối tuần qua, tay golf 23 tuổi đã có danh hiệu PGA Tour thứ 5 trong sự nghiệp sau một màn trình diễn đỉnh cao. Dù vậy, hiểu được con người của golfer người Tây Ban Nha này là điều không hề dễ dàng, bởi dường như trong anh đang hiện hữu 2 nhân cách đối lập.

Với phong độ đang lên như diều gặp gió, mỗi khi Jon Rahm xuất hiện ở giải đấu nào, những người tham gia giải đấu đó phải lo lắng. Chủ nhật vừa qua, golfer sinh năm 1994 đã giành chiến thắng ngay trên “sân nhà” khi vô địch Open de Espana, qua đó khiến người dân Tây Ban Nha phấn khích với màn lội ngược dòng khó tin ở những vòng đấu cuối cùng.

Đây là chiến thắng thứ ba của Rahm tại hệ thống giải European Tour, cùng với hai chức vô địch PGA Tour trước đó đã khiến giới chuyên môn đánh giá anh đang trên đường trở thành một trong những huyền thoại làng golf. Càng ngạc nhiên hơn nếu biết rằng golfer chưa tròn 24 tuổi này chỉ mới bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp vào tháng 06/2016. Ở giải nghiệp dư cuối cùng tại Oakmont mà Rahm tham gia, anh chỉ xếp hạng T23. Còn hiện tại, sau 22 tháng thi đấu chuyên nghiệp, anh đã có đến tận 5 danh hiệu.

Vì thế không có gì khó hiểu khi golfer này đang xếp thứ 4 trên thể giới sau đà thăng tiến chóng mặt vừa qua. Ấn tượng hơn, Rahm cũng vừa kết thúc The Masters 2018 - một trong 4 giải major danh giá nhất làng golf - ở hạng 4 trong lần thứ 2 tham dự, và anh cũng chỉ chịu thua 3 golfer người Mỹ khác, tương tự như bảng xếp hạng golf thế giới.

Rõ ràng nhìn vào Rahm, ta có thể thấy anh có đủ tài năng, phẩm chất để trở thành một golfer hàng đầu. Ngoài ra anh còn có vẻ điển trai, cao ráo đủ để thu hút nhiều hợp đồng tài trợ béo bở. Thể nhưng điều có thể ngăn cản anh vươn đến đỉnh cao có thể lại đến từ tính cách của mình.

Không giống như kiểu người “hoạt ngôn” như Patrick Reed, Rahm lại thường không giữ được bình tĩnh để rồi dễ dàng nổi nóng khi thi đấu. Đôi khi tật xấu này lại đi quá đà và ảnh hưởng đến phong độ thi đấu của Rahm. Chẳng hạn như ở giải US Open vào tháng 6 năm ngoái, sau cú đánh hỏng dẫn đến điểm bogey tại hố 14, anh đã không thể kiềm chế bản thân, liên tục chửi thể và “trút giận” vào gậy wedge. Đến hố 15, thêm một trái banh golf và tấm bảng ở khu vực tee trở thành “nạn nhân”. Và rồi dù ghi được điểm birdie tại hố 15, Rahm vẫn không thể vượt qua được nhát cắt vì 4 gậy nhiều hơn.

Đến tháng 2 vừa qua, golfer này lại khiến người hâm mộ bất ngờ vì thái độ giận dữ tại vòng cuối giải Phoenix Open. Một cú chip bằng gậy wedge tệ hại ở hố 15 đã khiến anh bực tức đập gậy và kết thúc giải đấu đó ở thứ hạng T11 với kết quả dương 1 gậy.

Rahm không đưa ra lời bào chữa nào về những hành động xấu của mình, nhưng anh cho biết việc mình đánh mất bản thân là điều cần thiết để giải thoát mình khỏi những cơn mất bình tĩnh hay thất vọng. Sau các sự cố nói trên, anh từng mô tả mình như một chai soda đã lắc mạnh và chỉ chực chờ để bùng nổ.

Đối với một môn thể thao đề cao tính kỷ luật như golf, những hành động kể trên của Rahm thường không được lòng người xem, khiến anh cũng phải chịu áp lực khi bị xét nét từ nhiều phía. Nhưng đừng quên rằng đến golfer vĩ đại như Tiger Woods từng là một trong những người bị phạt nhiều nhất vì những hành vi xấu, hay như trường hợp của tân vô địch The Masters 2018 Patrick Reed gần đây. Bởi dù sao các golfer cũng chỉ là những con người bình thường, biết vui, giận hay lo lắng như bao người khác.

Ở độ tuổi 23, sự nghiệp của Rahm vào thời điểm này có thể được xem là thành công kể từ khi anh đặt chân tới Đại học Arizona State 6 năm về trước. Lúc bắt đầu đến Mỹ, anh còn chưa biết một chữ tiếng Anh nào. Giờ đây anh trả lời phỏng vấn chẳng khác gì người bản xứ.

Thành tích của anh khi còn ở ghế giảng đường cũng rất ấn tượng: 2 lần thắng giải thưởng Ben Hogan và 11 lần vô địch các giải đấu khác trong màu áo Sun Devils. Thành tích này cũng chỉ thua mỗi một cựu sinh viên Arizona State khác, đó chính là golfer kỳ cựu Phil Mickelson. Chính vì phong độ quá đỗi xuất sắc đã khiến HLV của Rahm khi đó là Tim Mickelson - cũng chính là anh trai của Phil - phải bỏ nghiệp huấn luyện để làm người đại diện cho anh (trước khi quay về làm caddie cho em trai).

Đó là một quyết định chính xác của Tim bởi Rahm liên tục thi đấu ấn tượng kể từ khi gia nhập làng golf chuyên nghiệp. Thậm chí anh còn không cần phải thông qua các giải Q-School hay Web.com Tour để có được tấm thẻ PGA. Đến thời điểm xảy ra sự cố US Open nói trên, Rahm đã trở thành golfer hạng 10 thế giới.

Chưa đầy một tháng sau giải US Open đó, Rahm có chức vô địch ở Irish Open. Tuy nhiên sự quan tâm dành cho tình huống gây tranh cãi vì Rahm đặt bóng sai chỗ ở green của hố 6 thậm chí còn nhiều hơn chiến thắng này. Ban tổ chức European Tour cho rằng Rahm không vi phạm luật, nhưng khán giả và chuyên gia lại không nghĩ thế, đồng thời lên tiếng chỉ trích anh.

Có thể thấy trong làng golf chuyên nghiệp, một hành động sai lầm nhỏ cũng khiến bạn chịu áp lực lớn từ khán giả. Sau sự cố ở US Open, các lời chỉ trích Rahm liên tục xuất hiện bởi các bậc cha mẹ vì cho rằng anh thể hiện tấm gương xấu cho con cái họ. Chỉ cần làm thêm một điều gì không vừa ý khán giả, có thể Rahm sẽ rơi vào áp lực trở lại và điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Dù vậy, đây là điều có thể hiểu được với một trong những golfer xuất sắc nhất thế giới mà hiện vẫn chưa sở hữu giải major nào.

Hiện tại, sau chiến thắng tại giải Open de Espana, Rahm vẫn đang yên ổn với vị thế ngôi sao. Anh đang trở thành niềm hy vọng của đội tuyển Tây Ban Nha, bên cạnh Sergio Garcia, Rafael Cabrera-Bello cùng đội trưởng Thomas Bjorn trong giải Ryder Cup diễn ra vào tháng 9 năm nay. Ngoài giải đấu này, Rahm cũng đang đặt mục tiêu lên ngôi vị số một thế giới khi lên kế hoạch tham dự nhiều giải đấu lớn nhỏ khác nhau, bao gồm cả 3 giải major còn lại trong năm.

Vấn đề là, liệu Rahm có thể giữ được bản lĩnh để thể hiện phong độ của mình hay lại có những phút giây thiếu kiềm chế ở thời khắc quyết định? Dù thế nào đi nữa, những màn trình diễn của golfer này chắc chắn sẽ là thứ bạn không thể bỏ qua trong làng golf năm 2018.

Nguồn & Hình ảnh: GolfDigest

Patrick Reed và câu chuyện về "Captain America" của làng golf Mỹ