Hành trình tìm danh tính người được lấy tên cho Tiger Woods (Kỳ 1)

Vào tháng 8 năm 1996, phóng viên Tom Callahan của Golf Digest, đồng thời là một cựu lính thủy đánh bộ có cơ hội gặp gỡ Earl Woods tại sự kiện Greater Milwaukee Open, giải đầu tiên mà Tiger Woods thi đấu sau khi quyết định chuyển sang chuyên nghiệp. Cuộc trò chuyện này mang đến nhiều khoảnh khắc thú vị, đặc biệt là lời giải đáp nguyên nhân xuất hiện cái tên “Tiger”.

Earl Woods, một anh hùng chiến tranh từng tham chiến ở Việt Nam nhưng khi đó không thể nhớ nổi thời gian mình từng phục vụ trong quân ngũ. Ông cho biết người bạn thân nhất của mình là một người lính ở miền nam Việt Nam có tên Tiger Phong, tuy nhiên người này đã mất tích kể từ sau cuộc chiến tranh. Nhằm trân trọng tình bạn của mình, ông đã quyết định đặt “nickname” cho con trai mới sinh là một cái tên huyền thoại mà ai cũng biết đến sau này.

Sau cuộc trò chuyện đó, Callahan quyết định thực hiện một hành trình kỳ lạ, đi tìm người có tên Tiger Phong nói trên và đây chính là câu chuyện dài kỳ được anh đăng trên Golf Digest năm 1997.

Hồi ức của Earl Woods

Vào ngày cuối cùng của năm 1975, chỉ một ngày sau khi Eldrick Woods (hay Tiger Woods sau này) ra đời, cha của cậu bé này vẫn đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ về quá khứ cũng như tương lai thì bỗng một giọng nói cất lên.

Đừng lo lắng, Woody”, Trung tá Phong nói với Earl bằng một giọng nhẹ nhàng. “Tôi chưa từng mất một cố vấn nào”.

Thật hân hạnh khi biết điều đó, Tiger”, Woods thì thầm. “Nhưng chắc chắn tôi không muốn trở thành người đầu tiên đâu”.

Tiger Phong và Earl Woods đang ở sâu bên trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cụ thể là Phan Thiết nhưng vị trí chính xác chỉ có Phong biết rõ. Khi đó Phong đang đảm nhận vị trí Phó tỉnh trưởng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), còn Woods đơn thuần chỉ là một cố vấn người Mỹ nhưng mối quan hệ của họ còn nhiều hơn cả bạn bè.

Earl Woods cùng tấm hình kỷ niệm giữa ông và người bạn thân Tiger Phong. (Ảnh: Dom Furore/Golf Digest)

Sau nhiều trận chiến vào sinh ra tử, cả hai đã coi nhau như anh em. Chính Woods là người đã đặt biệt danh cho Phong là “Tiger”, thể hiện phần nào sự ngưỡng mộ. Không nhiều người lính khi đó xứng đáng với cái tên “Tiger” này.

Khi không chiến đấu, họ thường dành thời gian chơi quần vợt hay nhiều thứ khác. Woods là người hướng dẫn Phong chơi những thước nhạc jazz cơ bản, trong khi Phong lại thường dạy Woods các bài học triết lý. Cùng với nhau, họ đã trải qua cuộc sống đầy nụ cười nhưng cũng không thiếu nước mắt.

Vào một đêm tĩnh lặng, khi căn phòng có tiếng hát của Aretha Franklin phát ra từ một máy ghi âm, Phong một lần nữa chia sẻ ước mơ của ông là được trở thành giáo viên – dù khi đó ông đã trông giống như vậy. Ước mơ mà người đàn ông này muốn cho các con của mình đơn giản chỉ là trực thăng không hiện hữu trên đời nữa.

Còn Woods chỉ nhớ về một trận chiến mình từng trải qua và tự đặt ra câu hỏi “Sao người Mỹ vẫn chưa rời đi khi Cộng Sản đang nắm phần thắng. Tại sao vậy?”. Đáng ra ông đã nhiều lần phải rơi vào cửa tử nhưng đến cuối cùng vẫn không phải. Vì thế ông luôn tự nhủ: “Chắc chắn phải có một lý do nào đó”.

Quyết định của Callahan

Do ảnh hưởng của thời gian, Earl Woods không thể nhớ nổi chính xác thời gian diễn ra những ký ức trên ngoại trừ năm. Vì thế tôi (Callahan) đã nghiên cứu và nhận định khoảng thời gian kết bạn giữa hai người nằm giữa giai đoạn 15/8/1970 và 13/8/1971. Trên thực tế tôi đã không biết mình có thể tin được lời của một người không biết mình đã từng ở Việt Nam hay không. Thậm chí tôi càng thấy mọi thứ mà ông ấy nói trở nên khó tin khi nghe câu nói sau đây.

Đưa cho Tiger (Woods) bảy cơ hội để vô địch một giải đấu, chắc chắn thằng bé sẽ thắng một trong số đó”.

Câu nói trên mang đến một cảm giác kỳ lạ bởi khi Tiger Woods chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 1996, nhiều người còn tự hỏi liệu anh có thể kiếm đủ số tiền thưởng cần thiết trong bảy tuần cuối của mùa PGA Tour lúc đó để tránh việc rơi xuống các giai đoạn vòng loại tuyển chọn thành viên hay không.

Vì thế việc Earl giải thích vì sao lại chọn cái tên Tiger từ một Trung tá tên Phong, họ Nguyễn cho con mình càng khiến tôi tỏ ra nghi ngại. “Nhờ bản năng, tôi biết con trai mình sẽ nổi tiếng. Một ngày nào đó, người bạn già của tôi sẽ thấy thằng bé trên sóng truyền hình, đọc những thứ về nó trên báo hay tạp chí và nhận ra ‘Đó phải là con của Woody’ và rồi chúng tôi sẽ có thể tìm thấy nhau”.

Tiger Woods (trái) bên cạnh người cha Earl Woods và mẹ Kultida Woods vào năm 1990. (Ảnh: Ken Levine)

Từ từ đã, câu chuyện về Tiger Woods có thể mang đến sự mới mẻ nhưng tình tiết về một người lính mất tích có thể không như vậy. Thực ra tôi cũng tự hỏi liệu đã từng có Trung tá Phong hay chưa. Mọi thứ được kể dường như khá mơ hồ và không rõ ràng.

Tuy nhiên Earl Woods không đơn thuần là một Trung tá bình thường, ông chính là một Mũ Nồi Xanh. Theo thông tin nhận được, cha của Tiger Woods từng tham gia khóa huấn luyện của lực lượng tinh nhuệ này ở Bắc Cực, nơi mà nhiệt độ thấp đến âm 40 độ C và tốc độ gió lên đến 40 hay 50 hải lý/giờ. Ngoài ra ông không chỉ là một cựu chiến binh Việt Nam, ông còn là người nhận huân chương Ngôi sao bạc từ chiến trường này. Vậy mà giờ đây ông ấy lại không biết mình đã ở Việt Nam giai đoạn nào.

Chính vì thế mà sau đó tôi đã đến Cypress, California để tìm hiểu thêm về điều đó.

Lần thứ hai ông đến đó, có phải là trước Tết Mậu Thân không?”, tôi hỏi.

Không, nó xảy ra sau Tết”, Earls trả lời. “Khoảng cuối 60 đầu 70, tôi đoán vậy”.

Bản thân tôi là một lính thủy đánh bộ không có gì đáng chú ý, dù tôi từng tham dự trận chiến vĩ đại ở Quantico. Tôi chưa từng đến gần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà khi mà bạn chạm bất cứ thứ gì màu đỏ, bạn sẽ “chết”. Dù vậy tôi vẫn nhớ chính xác thời điểm tuyên thệ của mình vào năm 1967 hay những giây phút quý giá lúc rời khởi Quantico với một đầu gối bị vỡ. Vậy làm sao người đàn ông kia có thể quên rằng ông ấy ở Việt Nam thời gian nào?

Vậy ông có biết mình từng ở Thái Lan khi nào không”, tôi hỏi Woods. Lý do cho câu hỏi này là do chính tại Thái Lan, Earl Woods đã gặp người vợ thứ hai Kultida và Tiger Woods chính là kết quả của mối tình này.

Tôi đã ở Bangkok giữa các đợt công tác”, Earls nhớ lại. “Chờ một chút”.

Và từ đống hộp chất tại phòng khác, ông ấy lấy ra một cây gậy bằng gỗ gụ, món quà từ các đồng đội. Trên món đồ vật đó có một mảng kim loại đã xỉn màu.

Bangkok, 1968. Tôi đã ở Bangkok năm 1968”, ông nói.

Trong căn nhà chúng tôi trò chuyện hôm đó, hầu hết đồ đạc của gia đình đang được chuyển đi. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nơi giống như một việc bảo tàng nhưng giờ sắp bị dẹp bỏ để dành chỗ cho các biệt thự. Chúng tôi ngồi trên chiếc giường trong phòng của Tiger lúc nhỏ, vách tường dán đầy các tấm áp phích, đề can, huy hiệu hay các lá bài liên quan đến Luke Skywalker trong Star Wars hay Charlie Joiner trong San Diego Chargers. Còn ở vách tường đầu giường là một trang báo ghi lại những thống kê mà Jack Nicklaus đạt được như “Đánh dưới 70 gậy ở tuổi 13…”. Chính Tiger là người đã dán lên tường toàn bộ chúng.

Sau đó chúng tôi chuyển sang phòng của Earl và theo dõi Tiger đánh 73 gậy ở AT&T Pebble Beach Pro-Am.

Tôi từng chơi ở giải đó vài năm trước”, tôi nói với Earls. “với một golfer chuyên nghiệp có lẽ ông không biết, một người tuyệt vời có tên Tommy Moore”.

Anh chàng đến từ New Orleans à?”, Earls hỏi ngay.

Sao ông biết điều đó?

Tiger từng chơi với cậu ấy một lần

Ngạc nhiên thật, ông ấy biết mọi thứ về Tiger nhưng lại không nhớ bất cứ thứ gì về bản thân mình.

Hôm đó tôi trở về nhà và nhận được một tin nhắn từ Trung tâm Hồ sơ Nhân Sự Quốc gia ở St. Louis. Yêu cầu về Quyền tự do Thông tin của tôi đã được đáp ứng và tôi đã có thông tin về người cha của Tiger Woods.

Cụ thể Earl Dennison Woods đã phục vụ tại VNCH trong hai giai đoạn, từ ngày 12/2/1962 đến 24/2/1963 và từ ngày 15/8/1970 đến 13/8/1971. Mọi thông tin khác mà ông đã chia sẻ với tôi đều đúng. Thậm chí cả việc Tiger giành đến hai chiến thắng (ở Las Vegas Invitational và Walt Disney World/Oldsmobile Classic, đều trong tháng 10/1996) trong số bảy cơ hội có khả năng vô địch.

Đó là động lực khiến hành trình tìm kiếm Tiger Phong của tôi bắt đầu.

Tiger Woods khi vô địch Las Vegas Invitational 1996, danh hiệu PGA Tour đầu tiên trong sự nghiệp. (Ảnh: J. D. Cuban)

Chuẩn bị đến Việt Nam

Tại bất kỳ văn phòng nào, luôn có một người có thể kiếm cho bạn thông tin cần thiết nếu như bạn đủ kiên nhẫn. Ở Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC khi đó, người đầu tiên không hiểu ý tôi là Bí thư thứ ba của phòng kinh tế, Nguyen Van Quyen. Ông ấy biết rằng có đến 63% người Việt Nam có họ Nguyễn nhưng lại thông báo “Nguyen Phong là Joe Smith”.

Người hiểu được ý tôi là một người trẻ hơn, Bí thư thứ nhất của phòng truyền thông, Le Dzung. Nhận thấy có sự ăn ý, tôi bày tỏ sở thích về văn hóa chơi golf vừa mới chớm nở ở Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh mong muốn đến chơi sân golf mới do Nick Faldo thiết kế. Tình cờ thay sân golf này lại nằm ở nơi mà Earl và Phong đóng quân: Phan Thiết. Tôi cũng thể hiện sự tò mò về số phận của một người lính mất tích trước khi chiến tranh kết thúc.

Trên một chiếc bàn sơn mài dài, Le Dzung đang nghiên cứu về các yêu cầu visa và lịch trình của tôi: Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn xưa), Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang và một vài tỉnh khác có thể có cái tên tôi muốn tìm kiếm.

Thêm Hà Nội vào đi”, anh ấy nhẹ nhàng nói. “Tôi có một người bạn ở đó, ông Nghi. Ông ấy có thể giúp. Đây là số của ông ấy. Chúc bạn một chuyến đi tốt đẹp”.

(Còn tiếp)