Golf vẫn bất bình đẳng giới

Bảng 100 vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2017 chỉ có duy nhất một vận động viên nữ, ngôi sao quần vợt Serena Williams. Cô xếp hạng 51 với thu nhập 66 triệu USD, thấp hơn thu nhập của Christiano Ronaldo, cầu thủ có lương cao nhất thế giới. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về chênh lệch quá lớn trong thu nhập của làng thể thao thế giới, và hiện tượng này đã tồn tại hàng chục năm qua.

Nói ngắn gọn, chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ lâu nay đã là một vấn đề ảnh hưởng tới phái nữ trên khắp thế giới. Và đối với phần lớn các vận động viên nữ, điều này cũng không phải là khác biệt.

Bất bình đẳng giới trong thể thao

Ngoài trường hợp của Serena Williams như đã nói ở trên, có thể kể trường hợp đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ giành World Cup năm 2015 chỉ mang lại cho họ khoản tiền thưởng 2 triệu USD. Trong khi đó, đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 được thưởng 35 triệu USD. Điều thú vị là tiền thưởng của World Cup nam và nữ đều được quy định bởi một tổ chức, FIFA, với quyết định thưởng 15 triệu USD cho World Cup nữ và 576 triệu USD cho giải đấu nam, tính ra cao gấp gần 40 lần.

Và trong khi cựu đội trưởng đội tuyển Anh Wayne Rooney bỏ túi 400.000 USD/tuần khi còn khoác áo Man United, đội trưởng đội tuyển nữ của Mỹ là Steph Houghton chỉ nhận khoảng 1.600 USD/tuần, theo Ladbrokes Sports.

Danh hiệu ở Oates Vic Open

Chênh lệch thu nhập tương tự cũng xuất hiện trong các môn thể thao chuyên nghiệp khác. Với golf, các golf thủ nam của giải US Open thi đấu để giành khoản tiền thưởng trị giá 1,5 triệu USD, gấp đôi tiền thưởng dành cho giải đấu nữ. Lấy ví dụ từ trường hợp của golf thủ người New Zealand Lydia Ko, người được công nhận là vận động viên trẻ nhất trong cả hai giới giành vị trí số 1 trong bộ môn golf chuyên nghiệp năm 2015. Năm đó, cô bỏ túi ít hơn so với golf thủ xếp hạng 25 nam của giải đấu PGA Tour.

Bên cạnh đó, đội tuyển cricket nam nếu chiến thắng ở World Cup có thể kiếm được gấp 7 lần số tiền thưởng so với đội tuyển nữ.

Và khoảng cách thu nhập cũng diễn ra tại hai giải đấu bóng rổ uy tín nhất thế giới - NBA và WNBA của Mỹ. Thống kê cho thấy, vận động viên lương cao nhất tại giải WNBA (giải đấu nữ) kiếm được chỉ khoảng 1/5 so với vận động viên lương thấp thất trong giải NBA của nam.

Vậy mà theo một nghiên cứu của BBC Sport mới đây về 68 bộ môn, 83% các môn thể thao hiện nay trao tiền thưởng bằng nhau cho vận động viên nam và nữ. Hay thu nhập của vận động viên nữ đang trên đà tăng trong 3 năm vừa qua, và 35/44 môn thể thao trao thưởng bằng tiền mặt đã trao thưởng bình đẳng giữa hai giới.

Đây dường như là một tín hiệu vui, đặc biệt khi so sánh với những năm trước - năm 2014 chỉ 70% các môn thể thao đã xóa bỏ khoảng cách thu nhập. Hay trước đó vào năm 1973, không có môn thể thao nào vận động viên nữ được trả thu nhập bình đẳng với nam giới.

Thu hẹp khoảng cách

Thực tế thì quần vợt đỉnh cao đang là một ngoại lệ. Năm 2017 đánh dấu một thập kỉ kề từ khi phụ nữ giành được quyền chia tiền thưởng ngang bằng ở giải Wimbledon, giải Grand Slam cuối cùng bên cạnh Australian Open, Roland Garros và US Open chấp nhận cách chia này. Không có gì ngạc nhiên khi 8 trong 10 vận động viên nữ có thu nhập cao nhất năm 2017 theo Forbes là các cây vợt.

Ngược lại, golf là một trong những môn thể thao chưa có sự bình đẳng về tiền thưởng. Năm 2017, Justin Thomas dẫn đầu bảng xếp hạng PGA Tour của nam với 9.921.560 USD. Thế nhưng, ở LPGA Tour của nữ, Sung Hyun Park dẫn đầu cũng chỉ có 2.335.883 USD.

Cheyenne Woods

Chính vì vậy, giải Oates Vic Open tại Barwon Heads, Victoria, Australia là một sự kiện hiếm hoi trong làng golf không có sự khác biệt về tiền thưởng. Đúng hơn, giải đấu thuộc Golf Victoria là sự kiện duy nhất trên thế giới mà các golf thủ nam và nữ thi đấu cùng sân, cùng tuần và cùng có 793.000 USD tiền thưởng.

Nên nói thêm là sau khi thất bại trong việc thu hút các nhà tài trợ để tổ chức giải golf cho nữ trong 20 năm qua, Golf Victoria quyết định kết hợp vào giải golf của nam năm 2012 và điều đó đã mang lại thành công.

''Chúng tôi luôn được công chúng và các golf thủ đánh giá là một trong những giải tuyệt vời nhất. Vì thế, chúng tôi muốn điều này được duy trì lâu dài,'' giám đốc điều hành của Golf Australia, Simon Brookhouse, cho biết. ''Không có các golf thủ nam và nữ, sẽ không có Oates Vic Open. Công chúng muốn được xem sự tinh tế của golf nữ và sức mạnh của golf nam. Nhờ đó, Oates Vic Open mang đến một trải nghiệm thú vị."

Cheyenne Woods, cháu gái của Tiger Woods và là một trong những golf thủ có mặt tại Oates Vic Open, đã dành rất nhiều lời khen cho giải. ''Tôi nghĩ khán giá có cơ hội được xem các golf thủ nam và nữ thi đấu. Đây vẫn là golf nhưng nó mang đến cho hai nhóm người hâm mộ những đánh giá của mỗi bên,'' Cheyenne Woods cho biết. ''Hy vọng trong tương lai, các tour và nhà tài trợ có thể học hỏi được nhiều điều từ Oates Vic Open.''

Theo Quỹ Phát trển Phụ nữ Liên hợp quốc cho biết thì "Trong lịch sử, phụ nữ chưa bao giờ có chỗ đứng trong làng thể thao tốt hơn lúc này". Tuy nhiên, sự thay đổi vẫn diễn ra quá chậm và để phụ nữ vươn tới mức thu nhập cao trong thể thao sẽ "là một chặng đường dài", như nhiều chuyên gia khẳng định.

"Chúng ta đang có những tiến triển nhưng ở mức rất chậm," bà Fiona Hathorn, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận vì quyền phụ nữ 'Women on Boards' cho biết. "Thể thao là một thế giới thống trị bởi nam giới và sự phân biệt trong một số môn thể thao thật đáng gây sốc."

Thống kê cho thấy cricket, golf và bóng đá là một trong số những môn thể thao có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất, bên cạnh phi tiêu, billiard và quần vợt. Vì thế, thị trường thể thao toàn cầu - trị giá khoảng 145,3 tỷ USD theo PwC - còn rất xa trên con đường bình đẳng giới.

"Tôi thật sự không thể nghĩ ra bất kì ngành nào khác có chênh lệch thu nhập lớn như vậy. Tùy vào hoàn cảnh của quốc gia và môn thể thao, một người đàn ông có thể là một tỉ phú, trong khi một phụ nữ (trong hoàn cảnh tương tự) thậm chí không có được mức lương tối thiểu," bà Beatrice Frey, Giám đốc chương trình thể thao thuộc Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc cho biết.