Đôi nét về thực trạng dạy golf hiện nay ở Việt Nam

Là một quốc gia còn khá non trẻ trong lĩnh vực golf, nhưng Việt Nam đang là thị trường phát triển đầy tiềm năng. Và một trong số những vấn đề đang được đặt tâm hàng đầu của golf Việt trong thời gian qua chính là việc dạy golf và huấn luyện viên golf.

Golf phát triển đồng nghĩa với số lượng người chơi golf ngày càng tăng và đang dần trẻ hoá. Nhu cầu học golf cũng tăng theo và xu hướng tìm kiếm huấn luyện viên cũng đa dạng hơn so với trước kia. Tuy nhiên, số lượng huấn luyện viên dạy golf có phần đang không đáp ứng đủ nhu cầu của người học. 

Theo số liệu cập nhật tính đến hết năm 2020, cả Việt Nam hiện nay đang có khoảng 300 huấn luyện viên và người hướng dẫn golf làm việc tại các sân tập. Trong khi đó, số lượng người có nhu cầu học golf cả mới bắt đầu và chỉnh swing trong 1 năm là khoảng trên 10 ngàn người. Đây là một con số chênh lệch và nhìn vào đó để thấy rằng, các huấn luyện viên dạy golf tại Việt Nam đang "làm không hết việc".

Số lượng người tập golf ngày càng tăng, nhưng số lượng HLV chưa đáp ứng được nhu cầu.

Về cơ bản, huấn luyện viên golf ở Việt Nam hiện nay được chia thành các nhóm sau:

Đầu tiên là những huấn luyện viên nước ngoài. Việt Nam là thị trường golf mới và có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Các huấn luyện viên golf nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng để phát triển công việc và thu nhập cá nhân của mình. Chính vì thế, rất nhiều các huấn luyện viên nước ngoài đã đến Việt Nam để làm việc và họ chiếm đa số thị phần mảng đào tạo giai đoạn những năm 2000 - 2010. Đa phần trong đó là các huấn luyện viên có chứng chỉ đào tạo đến từ các nước như Úc, Hàn Quốc, Malaysia hay Nam Phi.

Tiếp theo là những huấn luyện viên Việt Nam đi học tại nước ngoài. Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, có nhiều nhóm những người tự túc đầu tư đi học làm huấn luyện viên ở các quốc gia có nền golf phát triển hơn như Thái Lan, Úc hay Mỹ. Nơi đây, họ được đào tạo khá bài bản và cuối cùng là thi lấy những chứng chỉ dạy golf. Nhóm huấn luyện viên này được đánh giá là chất lượng và có nền tảng chuyên môn khá vững. Có thể kể đến trong số này nổi bật là huấn luyện viên Phạm Minh Đức, người có chứng chỉ PGA Úc đầu tiên của Việt Nam.

Nhóm phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay đó là các huấn luyện viên mang tính chất “tay ngang”. Nhóm huấn luyện viên này hầu hết là đi lên từ caddie, là nhân viên sân golf hay sân tập. Các huấn luyện viên nhóm này thường phải tích luỹ kinh nghiệm thực tế, quan sát golf sau nhiều năm để trở thành người dạy golf. 

Nhóm cuối cùng mang tính chất xu hướng trong quãng thời gian vài năm trở lại đây. Đó là những golfer nghiệp dư và chuyên nghiệp, được tiếp cận và được đào tạo chơi golf từ nhỏ với mục đích để thi đấu. Nhóm huấn luyện viên này tận dụng chính khả năng chơi golf tốt và kinh nghiệm của mình để áp dụng vào việc dạy golf. Nổi bật trong số này có thể kể đến như Trần Lê Duy Nhất, Trương Chí Quân hay Tăng Thị Nhung, Ngô Bảo Nghi, Nguyễn Thảo My, những golfer đã gặt hái được nhiều thành công khi thi đấu và có tiếng trong cộng đồng. 

Người tập golf hầu như đều lựa chọn huấn luyện viên qua giới thiệu của bạn bè.

Cũng chính vì số lượng huấn luyện viên chưa nhiều và phân làm các nhóm khác nhau. Cùng với đó, chưa có một cơ quan nào quản lý về chất lượng huấn luyện viên nên người chơi không dễ để có thể tìm cho mình một huấn luyện viên ưng ý. Họ không có nhiều lựa chọn và hầu hết chọn huấn luyện viên là thông qua giới thiệu của bạn bè, kiểm chứng chất lượng từ kết quả của chính những người quen của mình.

Về mức giá dạy golf, một khoá học cơ bản dao động từ 10-20 triệu đồng và mức giá này còn có thể cao hơn nhiều nữa dựa vào trình độ, cũng như tiếng tăm của huấn luyện viên. Mức giá cũng phụ thuộc vào yếu tố dạy cá nhân, theo nhóm, dạy ở sân tập đơn thuần hay trong học viện có trang bị máy móc. Mức giá dạy của các huấn luyện viên bên ngoài thường dao động và có thể có sự chênh lệch, trong khi mức giá ở học viện có tính chất cố định hơn.

Tuy nhiên, dù là dạy golf theo mức giá nào và ở đâu. Thì thiếu sót lớn nhất ở Việt Nam là chúng ta vẫn chưa định hình được một quy chuẩn cho tất cả các huấn luyện viên và chưa thể kiểm soát được tình trạng dạy golf tự phát.

Số lượng huấn luyện viên có chuyên môn cao tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết huấn luyện viên chỉ có thể dạy golf cho người mới bắt đầu chơi, hoặc cao hơn là có thể chỉnh sửa và tìm ra lỗi của các golfer có kinh nghiệm. Chúng ta còn thiếu rất nhiều các huấn luyện viên ở đẳng cấp PGA – những người có thể dạy cả các golfer có thể chơi ở trình độ cao và tiến lên chuyên nghiệp. Dù vậy, nhóm huấn luyện viên này có lẽ chưa mấy cần thiết đối với Việt Nam khi đấu trường golf chuyên nghiệp mới chỉ chập chững những bước đi đầu tiên.

Các học viên tham dự lớp Train The Trainer do Hiệp hội golf Việt Nam tổ chức.

Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã có một số động thái quan tâm hơn đến việc dạy golf, như mở chương trình đào tạo huấn luyện viên golf “Train the trainer”, nhưng việc này cũng chưa tạo ra được những hiệu ứng tích cực. Mới nhất, VGA đang lên kế hoạch cho việc mạnh tay kiểm soát việc dạy golf ở Việt Nam và chuẩn bị cho một chương trình đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề cho các huấn luyện viên làm việc tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2022, các kế hoạch sẽ được bắt đầu triển khai.

Kết lại, việc dạy golf ở Việt Nam cũng phản ánh đúng sự phát triển của nền golf trong nước. Trên thực tế, chúng ta đang chỉ ở những bước đầu tiên trong việc phát triển huấn luyện viên golf. Thị phần dạy golf vẫn mở ra cho tất cả mọi nhóm huấn luyện viên. Nhưng chỉ sớm thôi, nếu việc dạy golf được quản lý bài bản, người học golf có nhiều thông tin để tìm hiểu hơn về các huấn luyện viên. Khi đó, những huấn luyện viên không có bằng cấp, không có chuyên môn sẽ tự bị đào thải. 

(Hình ảnh trong bài viết chỉ mang tính chất minh hoạ.)