Các sân golf Nhật Bản vật lộn để tồn tại

Nhật Bản chiếm một nửa số sân golf tại châu Á nhưng điều đáng nói là môn thể thao ở nước này đang khủng hoảng trầm trọng.

Có thể nói, golf đã đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ gần đây giữa Mỹ và Nhật Bản, khi tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe cùng chơi golf với nhau. Vậy nhưng tại Nhật Bản, nơi người ta có thể tìm thấy một nửa số sân golf ở châu Á, ngành công nghiệp này đang lao đao.

Hiện nay, Mỹ vẫn là nước có ngành công nghiệp golf lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời kinh tế bùng nổ vào những năm 1980, Nhật Bản cũng đã xây dựng hàng nghìn sân golf và không quá lời nếu nói rằng, golf trở thành một phần văn hóa kinh doanh của quốc gia này.

Những ngày đó giờ qua nhanh. Theo tờ Tokyo Shimbun, tỉ lệ người chơi golf tại Nhật Bản đã giảm mạnh 40% kể từ năm 1996. Những sân golf tư nhân, chiếm khoảng 90% sân golf tại Nhật Bản, đang dần biến mất. Một phần lí do là phí đăng kí thành viên cao. Trở lại những năm 1980, khi golf bùng nổ, các câu lạc bộ golf tại Nhật Bản thường đòi một khoản đặt cọc vào khoảng 400.000 USD hoặc nhiều hơn thế với mỗi hội viên. Đây là con số được hãng Rakuten đưa ra.

Khoản tiền đó dự kiến được hoàn trả sau 10 năm theo quy định. Có điều, khi nền kinh tế Nhật Bản khủng hoảng sau năm 1989, nhiều sân golf tư nhân không thể giữ được cam kết. Kể từ đó, nhiều sân golf bị đem bán, số khác được cải tạo lại và một số thì đóng cửa hoàn toàn.

"Người Nhật đang từ bỏ golf," Tomita Shoko, người phụ trách chuyên mục golf trên tạp chí kinh doanh Tokyo Kezai, cho biết.

Takashi Yanaoka, chủ tịch của sân golf Musashigaoka

Không chỉ thủ tục đăng kí thành viên thay đổi, như bà Shoko khẳng định, mà văn hóa kinh doanh của Nhật Bản cũng thay đổi. Nói thế bởi trước đây, điều thường làm với các công ty là seitai golfu, nghĩa là vừa đánh golf, vừa đàm phán thì nay không nhiều công ty sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn cho golf. Hệ quả là ngành công nghiệp golf bị ảnh hưởng theo đà suy thoái của kinh tế Nhật Bản.

Giờ đây, golf Nhật Bản chỉ hi vọng có thể thu hút một thế hệ người chơi mới nhằm giữ green luôn xanh. Dù sao thì golf sẽ trở lại danh sách thi đấu ở Olympic lần thứ 2 trong 100 năm qua và đúng vào kỳ Olympic 2020 tại Tokyo.

Bên cạnh đó, các sân golf đang nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp nhằm tránh bị đóng cửa. Chẳng hạn như do người Nhật Bản ngày càng ít chơi golf hơn, họ quay sang lôi kéo những golf thủ không phải người Nhật Bản, trong đó có các khách du lịch từ nhiều nước.

Hay lấy ví dụ từ mô hình thành công của sân golf Musashigaoka nằm ở ngoại ô Tokyo khi họ biến đây thành sân golf công cộng thay vì chỉ dành cho những thành viên của câu lạc bộ. Bên cạnh đó, Musashigaoka còn nới lỏng các quy định ngặt nghèo về trang phục thi đấu, thời gian và thái độ. Nói ngắn gọn, để tồn tại, một số sân golf áp dụng cái gọi là “phong cách Mỹ”, nghĩa là các golf thủ được mặc bất cứ đồ gì mà họ muốn khi thi đấu.