Ấn tượng của môn golf tại Olympic Tokyo

Olympic Tokyo đã chính thức bế mạc vào tối qua và môn golf khép lại vào 1 ngày trước đó. Sau 2 tuần diễn ra, môn golf tại Olympic Tokyo đã kết thúc một cách vô cùng thành công và để lại không ít ấn tượng với người hâm mộ trên khắp Thế giới.

1. Mỹ khẳng định vị thế độc tôn 
Mỹ luôn được coi là quốc gia số 1 ở bộ môn golf khi sở hữu hàng loạt những golfer hàng đầu Thế giới cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Nhưng ở đấu trường Quốc tế họ lại không có được thành công. 5 năm trước tại Rio 2016 có thể coi là thất bại với các golfer tới từ Mỹ khi họ chỉ có được duy nhất một tấm huy chương đồng của Matt Kuchar. Điều này mang lại một nỗi thất vọng to lớn với người hâm mộ golf của xứ cờ hoa.

Nelly Korda giành huy chương vàng môn golf Nữ Olympic Tokyo. Ảnh: Getty Images

Chính vì vậy, tới Olympic Tokyo với những golfer xuất sắc nhất vào thời điểm hiện tại ở cả nội dung nam và nữ, Mỹ đặt mục tiêu giành trọn 2 tấm huy chương vàng tại kỳ thế vận hội lần này. Và điều đó đã được hiện thực hoá với phong độ xuất sắc của Xander Schauffele và Nelly Korda. Đây là lần thứ 2 golf Mỹ có được 2 huy chương vàng tại Olympic, trước đó Charles Sands (nam) và Margaret Abbott (nữ) đã có được thành tích này tại Olympic năm 1900.
Hai tấm huy chương vàng của Xander Schauffele và Nelly Korda đã góp phần giúp cho đoàn thể thao Mỹ có được vị trí nhất toàn đoàn tại Olympic Tokyo. 

2. Niềm cảm hứng tới từ Aditi Ashok và Rory Sabbatini

Olympic không chỉ dừng lại ở những cuộc đua tranh huy chương, mà tại các kỳ thế vận hội luôn có những biểu tượng, những nhân vật mang lại nguồn cảm hứng cho giới truyền thông và cho thế hệ các vận động viên. 

Golfer Aditi Ashok để lại nhiều sự mến mộ trong lòng khán giả sau Olympic Tokyo. Ảnh: Getty Images

Môn golf tại Olympic Tokyo nổi bật lên hình ảnh của 2 golfer là  Aditi Ashok và Rory Sabbatini. Cả 2 đều là những golfer không mấy tên tuổi của làng golf Thế giới, cũng như tới từ các quốc gia mà bộ môn golf không mấy phát triển. Tuy nhiên, hành trình và những gì mà họ đã thể hiện có thể sẽ tạo nên một trang mới cho golf ở 2 quốc gia trên. 
Đối với Aditi Ashok, một chút tiếc nuối dành cho nữ golfer 23 tuổi người Ấn Độ khi cô không thể giành được huy chương tại Olympic Tokyo. Duy trì vị trí thứ 2 trong suốt 3 ngày thi đấu đầu tiên và cán đích ở vị trí thứ 4.
Mặc dù không mang về huy chương được cho Ấn Độ, nhưng điều quý giá hơn mà Aditi Ashok làm được đó là truyền cảm hứng chơi golf cho giới trẻ tại đất nước 1,4 tỷ dân này. Trước Olympic Tokyo, có lẽ không nhiều người tại Ấn Độ thấy hấp dẫn bởi golf. Nhưng với hiệu ứng từ Aditi Ashok, đã có hàng triệu người theo dõi cô tại kỳ Olympic vừa rồi sẽ giúp golf trở nên phổ biến hơn tại Ấn Độ. Đây có lẽ là thành công lớn nhất mà Aditi Ashok đạt được sau khi kết thúc Olympic Tokyo.
Còn với Rory Sabbatini thì Slovakia không phải là nơi anh sinh ra và lớn lên. Anh sinh ra tại Nam Phi và đang sống ở Mỹ nhưng đã nhập tịch Slovakia sau khi kết hôn. Thay vì Nam Phi, Rory Sabbatini đã chọn đại diện cho quê hương của vợ mình - Slovakia tại Olympic Tokyo. Mục tiêu của anh không gì khác là truyền cảm hứng cho thế hệ golfer trẻ ở quốc gia này.

Và với những gì mà Rory Sabbatini đã làm được với tấm huy chương bạc và kỷ lục điểm số -10 trong ngày thi đấu cuối cùng thì chắc chắn golfer 45 tuổi đã hoàn thành được mục tiêu và nhiệm vụ của mình. Không những vậy, Rory Sabbatini còn trở thành người hùng của Slovakia với những gì anh đã làm được tại Olympic Tokyo. 

Ngoài ra, không thể không nhắc đến C.T. Pan và Mone Inami, hai golfer đã mang những tấm huy chương môn golf đầu tiên tại Olympic về cho Châu Á. Cách mà họ có được vinh quang cũng đầy cảm xúc. Với C.T. Pan, golfer người Đài Bắc Trung Hoa đã đánh bại 6 đại diện của các nước khác ở loạt đấu playoff, trong đó có những golfer hàng đầu như Rory McIlroy, Paul Casey để giành huy chương đồng. Còn Mone Inami cũng vượt qua cựu số 1 Thế giới Lydia Ko để mang huy chương bạc về cho chủ nhà Nhật Bản. 

3. Những con số ấn tượng

-10: Kỷ lục điểm số trong một vòng đấu được Rory Sabbatini thiết lập ở ngày thi đấu cuối cùng của nội dung nam tại Olympic Tokyo. Đại diện của Slovakia lập được thành tích này với 1 eagle, 10 birdie và 2 bogey để hoàn thành vòng đấu với 61 gậy. Kết quả giúp Rory Sabbatini giành tấm huy chương bạc tại Olympic Toyko với tổng điểm -17.
 

7: Lần đầu tiên tại Olympic có 7 golfer phải thi đấu playoff để cạnh tranh chiếc huy chương đồng. Những người tham gia vào kỷ lục này bao gồm C.T. Pan(Đài Bắc Trung Hoa), Collin Morikawa (Mỹ), Mito Pereira (Chile), Sebastián Muñoz (Colombia), Rory McIlroy (Ireland), Hideki Matsuyama (Nhật Bản) và Paul Casey (Vương Quốc Anh).

1: Tại Olympic Tokyo, chỉ có duy nhất một golfer ghi được điểm Hole in one trong 2 tuần thi đấu trên sân Kasumigaseki Country Club, đó là Maha Haddioui. Nữ golfer tới từ Maroc đã thực hiện thành công cú đánh ở hố số 7 dài 176 yard tại vòng 2. Đây là điểm hole in one thứ 6 trong lịch sử Olympic. Trước đó, tại Rio 2016 đã có tới 5 golfer đạt được thành tích này.

4. Lần đầu tiên khán giả Việt Nam được theo dõi trọn vẹn bộ môn golf tại Olympic
Golf đang có sự phát triển rất đáng ghi nhận tại Việt Nam trong thời gian vừa qua cả về số lượng, cũng như chất lượng người chơi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu theo dõi để học hỏi cách chơi của các golfer hàng đầu Thế giới của người hâm mộ cũng được gia tăng. 
Nắm bắt được mong muốn của khán giả, tại Olympic Tokyo, lần đầu tiên trong lịch sử truyền hình quốc gia Việt Nam tiếp sóng đầy đủ các ngày thi đấu golf tại một kỳ thế vận hội. Việc phát sóng trọn vẹn 8 ngày thi đấu của bộ môn golf tại Olympic Toyko của đài truyền hình Việt Nam đã góp phần giúp cho golf được phổ biến rộng rãi hơn đến người dân. Và hi vọng điều này sẽ khiến bộ môn golf sẽ gần gũi và phát triển hơn nữa tại Việt Nam.