Trần Lê Duy Nhất - Độc hành nào phải cô đơn!

Trong buổi trò chuyện cùng GolfNews.vn, golfer số 1 Việt Nam hiện nay - anh Trần Lê Duy Nhất đã có những chia sẻ kinh nghiệm quý báu về quãng thời gian thi đấu đã qua cũng như kế hoạch của anh trong thời gian sắp tới.

10 năm - 1 hành trình

Có thể nói trong làng golf Việt Nam hiện nay, không ai không biết đến cái tên Trần Lê Duy Nhất. Tính từ lần đầu tiên anh thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2009 cho đến nay, Duy Nhất đã trải qua hàng chục giải đấu với chất lượng chuyên môn cao để trở thành golfer hàng đầu Việt Nam. Anh từng có lúc vươn đến vị trí 644 trên Bảng xếp hạng Golf Thế giới (OWGR), thành tích mà có lẽ phải rất lâu nữa Việt Nam mới có người đủ trình độ để vượt qua.

Con đường mà Duy Nhất đến với làng golf chuyên nghiệp có thể không còn quá lạ lẫm đối với những người luôn theo dõi bộ môn này, một phần cũng vì anh đã chia sẻ khá nhiều với giới truyền thông trước đây. Được sự nuôi dưỡng tận tình từ người cha doanh nhân Trần Đình Luật, Duy Nhất có cơ hội bén duyên với golf từ rất sớm khi thường theo cha đến các sân thi đấu. Đến năm 13 tuổi, anh có cơ hội đến New Zealand và tìm hiểu về môi trường thi đấu golf chuyên nghiệp.

Do tôi ở chung với 1 gia đình ở gần golf nên có nhiều điều kiện để tập luyện hơn”, anh giải thích. “Sau một thời gian, tôi quyết định gắn bó với golf vì nhận thấy môn thể thao này phù hợp với tố chất người châu Á. Ở bộ môn này, bạn không cần phải có sức mạnh hay chiều cao để đối phó với những VĐV phương Tây vốn có thể hình tốt hơn”.

Đến năm 16 tuổi, Duy Nhất tiếp tục hành trình ở tận nước Mỹ xa xôi, nơi mà golf đã phát triển cực thịnh và ngay cả những đứa trẻ cũng có thể tiếp cận bộ môn này từ rất sớm. Rất tình cờ, anh có dịp được làm hàng xóm với Rickie Fowler (golfer hiện xếp hạng 6 thế giới) và những người bạn đam mê golf có cùng lứa tuổi nên càng có hứng thú luyện tập hăng say với ước mơ trở thành golfer chuyên nghiệp sau này. “Tôi cảm thấy may mắn vì nếu không có cơ hội ra nước ngoài từ sớm, bạn sẽ khó có cơ hội theo đuổi môn thể thao này vì chúng ta vẫn còn thiếu nhiều sự hỗ trợ để golfer trẻ phát triển”.

Quá trình vượt qua khó khăn để vươn đến thành công như hôm nay là thứ được anh chia sẻ rất nhiều lần trên giới truyền thông. Thế nhưng đọng lại đằng sau đó là những điều gì?

Sau khi giành chiến thắng ở hàng loạt giải trẻ khi còn đang trên ghế nhà trường, Duy Nhất quyết định chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp vào năm 2009. Con đường này không hề bằng phẳng, dễ dàng, trái lại còn đem đến những thách thức to lớn từng khiến rất nhiều người phải nản lòng và bỏ cuộc. 

Gần 10 năm thi đấu chuyên nghiệp là từng ấy thời gian Duy Nhất phải đơn độc, trở thành người Việt Nam duy nhất thì đấu ở các giải Tour trên thế giới, ngoại trừ Ho Tram Open năm 2015. Kết quả ở giải Asian Tour duy nhất ở Việt Nam cũng nói lên con đường “độc hành” của anh khi trở thành golfer chủ nhà duy nhất vượt qua nhát cắt để kết thúc ở vị trí T60. Kết quả này không quá nổi bật trên thế giới, nhưng đối với làng golf nước ta, đó là lịch sử.

Đã từng có thời Duy Nhất hy vọng sẽ sớm có golfer Việt Nam khác như Trương Chí Quân nối bước anh, thế nhưng đến bây giờ tài năng trẻ này vẫn thuộc dạng tiềm năng. Dù vậy sau khoảng thời gian dài, cảm xúc của anh về việc “độc hành” không còn quá quan trọng: “Thực ra đến lúc này tôi cảm thấy khá ổn vì nhờ như vậy tôi đã kết bạn với những golfer tài năng đến từ Mỹ, châu Âu, Singapore, Thái Lan. Giả sử như người Việt Nam tham dự nhiều thì có lẽ tôi chỉ hoạt động trong nhóm đó thôi nên sẽ khó có cơ hội làm quen với những golfer ở nước khác”.

Ở thời điểm này, tần suất thi đấu của Duy Nhất thấp đi kéo theo việc anh tụt xuống hạng 1.408 trong bảng OWGR tuần qua. Tuy nhiên điều này với không còn quá quan trọng nữa vì anh đang có 1 gia đình nhỏ với 1 thiên thần bé bỏng để thương yêu, cũng như việc kinh doanh cửa hàng trang bị golf cũng tốn của golfer sinh năm 1989 này một khoảng thời gian không ít. 

Có thể thấy anh dành cho golf một niềm đam mê mãnh liệt đến mức dù phải “độc hành”, anh không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Nỗi lo về tương lai golf Việt Nam

Thành công vang dội của Duy Nhất thời gian qua cũng đem lại câu hỏi đau đầu cho công tác quản lý và điều hành golf ở Việt Nam, bởi hiện nay đất nước chúng ta vẫn chưa có golfer nào đủ trình độ để tiệm cận golfer tài năng này, chứ nói chi đến chuyện vượt qua. Một phần lý do của việc này có thể giải thích rằng golf là bộ môn thể thao rất cần tài chính, thậm chí có thể mất đến hàng chục tỷ đồng để đào tạo 1 golfer trẻ tiềm năng lên đến đẳng cấp thế giới.

Theo Duy Nhất nhận định, trình độ golfer Việt Nam có rất nhiều người giỏi, thế nhưng phần lớn chỉ thích đánh “độ” nên đã giữ mức handicap mà họ cảm thấy thoải mái rồi thôi. Điều này thực sự rất đáng tiếc vì golf cũng là môn thể thao có tính cạnh tranh cao, và nếu muốn nó trở nên hấp dẫn hơn, hãy đặt bản thân mình vào những tình huống thử thách.

Vì lẽ đó, Duy Nhất cũng có những nỗi lo nhất định với làng golf Việt Nam hiện nay, nhất là với những người mới chơi. “Để giỏi, đầu tiên hãy học động tác cơ bản cho đúng”, anh chia sẻ. “Hiện tại rất nhiều HLV ở Việt Nam không có kiến thức căn bản về swing. Họ là những người chơi giỏi, nhưng không có nghĩa động tác họ truyền đạt là hợp lý, mà đa số chỉ truyền đạt lại kinh nghiệm".

"Những người này lấy giá học phí rẻ hơn những ai đã qua trường lớp. Đối với những ai mới học golf thì họ thường ưu tiên lựa chọn rẻ nhất, nhưng tất nhiên cái gì cũng có giá của nó. Khi học xong cơ bản thì bạn cũng sẽ phải học nâng cao, nên tiền học cũng mắc hơn. Thay vì chọn học phí rẻ, để đỡ tốn thời gian thì bạn nên học từ những người có sư phạm tốt và làm được điều mà họ dạy”.

Anh cho biết bí quyết để nhận thấy người thầy giỏi là họ phải cân bằng được lý thuyết và thực tế: “Đánh tốt mà không có sư phạm thì không được, sư phạm tốt mà không làm được điều mình nói thì cũng như không. Hai yếu tố này cần phải đồng đều với nhau”.

Bên cạnh đó, Duy Nhất còn có lời khuyên thiết thực với giới golfer trẻ Việt Nam hiện nay là hãy cố gắng ra nước ngoài chơi golf càng sớm càng tốt, vì ở nước ta golf còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như sân golf thường ở khá xa khu trung tâm. Ngoài ra, các golfer nhí còn rất khó để kiếm bạn chơi cùng, vì vậy niềm đam mê và hứng thú cũng sẽ bị giảm dần theo thời gian.

Để khắc phục điều này, anh cũng bày tỏ hy vọng Hiệp hội Golf sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ golfer trẻ trong thời gian qua để những tài năng tương lai có nhiều cơ hội tiếp xúc với golf hơn. Ngoài ra, các sân golf có thể miễn giảm tiền phí cho những em muốn tập luyện. Tuy nhiên, anh cũng cho biết vấn đề quan trọng nhất vẫn là tài chính, khi ngay cả ở những nước mà golf đã phổ biến, các golfer vẫn cần một số đủ lớn để có thể đi đánh giải.

Kế hoạch tương lai

Sau khi phải tạm hoãn thi đấu 1 thời gian vì công việc cá nhân, Duy Nhất tiết lộ anh sẽ sớm quay lại thi đấu các giải chuyên nghiệp. Dự kiến, Thailand Open thuộc hệ thống Asian Tour diễn ra vào tháng 6 sắp đến sẽ là giải đấu tiếp theo mà anh tham gia.

Phong độ của tôi hiện nay còn tốt hơn lúc thi đấu thường xuyên, một phần cũng vì lớn tuổi nên già dặn hơn”, golfer vừa vô địch bảng Pro ở giải TP.HCM Mở rộng 2018 chia sẻ. “Dù vậy trước các giải lớn, tôi cũng phải thi đấu ở các giải nhỏ để tìm lại sự nhạy bén. Điều này cũng tương tự ở các golfer chuyên nghiệp, chẳng hạn Tiger Woods từng đánh mất sự nhạy bén sau thời gian dài nghỉ thi đấu dù kỹ thuật của anh vẫn còn ở đỉnh cao”.

Anh rất hy vọng Đỗ Lê Gia Đạt, người từng khoác áo đội tuyển golf Việt Nam, cũng sẽ sớm có những bước cọ sát cần thiết để vào con đường chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, việc thi đấu dưới áp lực golfer số 1 Việt Nam cũng không còn quá áp lực với anh như trước nữa: “Mọi người đều đặt nhiều kỳ vọng, nhưng việc giành thành tích lúc nào cũng khó vì các nước khác cũng có rất nhiều golfer chuyên nghiệp. Tôi cũng có một chút áp lực nhưng khi thi đấu thường không để ý đến nó nhiều mà chỉ cố gắng để đạt phong độ tốt nhất”. 

Tất nhiên bên cạnh việc trở lại các giải chuyên nghiệp, Duy Nhất còn có những kế hoạch khác cho việc kinh doanh cũng như gia đình. Hiện tại anh đã có ý định cho con mình tiếp xúc với golf trong tương lai. “Tuy nhiên khi còn nhỏ thì hãy để bé chơi nhiều môn thể thao chứ đừng chỉ 1 môn. Đến khi 12, 13 tuổi hãy để bé chọn ra môn yêu thích và theo đuổi nó”.

Nghề trọng tài golf ở Việt Nam: Sự hình thành của VGR và thách thức đang chờ đón (Kỳ 2)