Nghề trọng tài golf ở Việt Nam: Tất cả vì đam mê (Kỳ 1)

Đối với môn thể thao đầy tính quý tộc như golf, nhiều người thường nghĩ một nghề như trọng tài golf sẽ đem lại mức sống cao hoặc thu nhập tốt, tuy nhiên đó chỉ là những nhận định sai lầm. Để có thể theo nghiệp trọng tài golf, bạn không chỉ cần có đam mê mà còn phải nỗ lực không ngừng.

Để có được những thông tin chính xác nhất, GolfNews.vn đã có một cuộc trao đổi thú vị với anh Trần Trọng Đăng Khoa (người có chứng chỉ luật Golf R&A Level 2) về lịch sử của nghề trọng tài golf ở Việt Nam.

Trần Trọng Đăng Khoa - một trong những trọng tài golf quen thuộc ở các giải đấu hiện nay.

Nghề trọng tài và khởi đầu đầy gian nan

Golf là môn thể thao có từ lâu đời, du nhập vào Việt Nam từ cách đây khá lâu với vô số giải đấu nghiệp dư hay phong trào được tổ chức mỗi năm. Khi đó trọng tài golf vẫn còn là một thứ gì đó xa lạ với người chơi, bởi trái với những môn thể thao khác, bạn hoàn toàn có thể chơi một trận golf hoàn chỉnh mà không cần có sự có mặt của trọng tài. Golf luôn đề cao sự trung thực và đó chính là một trong những điểm khiến môn này phổ biến toàn cầu.

Tuy nhiên cũng như bất kỳ cuộc thi đấu nào khác, tranh cãi hoặc thắc mắc về các tình huống khi thi đấu là điều thường xuyên xuất hiện. Do đó ở những giải đấu trước đây, nhà tài trợ có điều kiện thường thuê trọng tài golf nước ngoài để phụ trách khâu tổ chức giải đấu. Một số ít golfer cũng có ý thức tự học và tham dự các cuộc thi của R&A để trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về luật golf khi ra sân. Dù vậy vào thời điểm đó, nhận thức về luật golf của các golfer ở Việt Nam vẫn còn thấp và đa phần biết luật nhờ vào việc truyền miệng.

Phần học thực hành của khóa học luật golf R&A Level 2 do VGA tổ chức.

Nhằm thay đổi nhận thức đó cũng như đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các golfer Việt Nam trong tương lai, vào khoảng những năm 2014 - 2015, một số thành viên từ cộng đồng facebook Golfer Vietnam Network (GVN) đã tập hợp để hoàn thành một trong những dự án lớn nhất mà cộng đồng này tạo ra là bản dịch Việt ngữ hoàn chỉnh của quyển Luật golf (Rules of Golf do R&A phát hành).

"Đó là một dự án kỳ công với sự tham gia của rất đông anh em có cùng chung sở thích", anh Đăng Khoa chia sẻ, "Quá trình biên tập và hiệu đính được thực hiện bởi những người có chuyên môn tốt, trải qua một thời gian dài chỉnh sửa để đem đến một bản dịch hoàn chỉnh nhất cho những ai đam mê golf". Nhờ sự ra đời của bản dịch này mà cộng đồng GVN bắt đầu có nhận thức về luật tốt hơn mỗi khi thi đấu.

Kể từ đó, cộng đồng golfer Việt Nam dần dần đánh giá cao vai trò của những trọng tài golf trong các giải đấu. Một số thành viên trong GVN đã quyết tâm theo đuổi các khóa học về luật Golf ở trình độ cao hơn ở nước ngoài, từ đó thiết lập nên những bước đầu tiên về nghiệp trọng tài golf ở Việt Nam.

Trọng tài golf Đăng Khoa trong một dịp công tác. Ảnh: NVCC

Quá trình trở thành trọng tài golf ở Việt Nam

"Đây không phải là một nghề, bạn phải xem đó là một sở thích để có thể theo đuổi vì cộng đồng", anh Đăng Khoa chia sẻ với câu hỏi liệu trọng tài golf có phải là một nghề hay không.

Quả thật đúng như vậy, nếu như theo dõi đầy đủ quá trình huấn luyện cũng như trải nghiệm thực tế, bạn có thể thấy các trọng tài golf ở Việt Nam không có đủ sự hỗ trợ cần thiết như những quốc gia khác, vốn có nền tảng golf phát triển và các sân hiện đại. Thu nhập mà nghề này đem lại cũng khá thấp và không đáng kể so với công sức vất vả họ phải bỏ ra.

Theo lời anh Khoa, bạn có thể lấy chứng chỉ luật Golf R&A Level 1 bằng hình thức thi trực tuyến trên website randa.org. Người có chứng chỉ luật Golf R&A Level 1 thì tuỳ theo giải có thể được BTC, TD (Tournament Director) hoặc CR Chief Referee) mời/ phân bố làm nhiệm vụ như là một trọng tài tuỳ theo kinh nghiệm, khả năng giải quyết các tình huống trên sân hoặc mức độ hiểu biết về luật.

Còn về chính thức thì chính R&A khuyến cáo những người có chứng chỉ Level 2 về luật Golf có thể làm trọng tài tuỳ theo một chuẩn nào đó (do hiệp hội, tổ chức, CLB… ban hành)

Khóa học luật golf R&A Level 2 diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 04/2018.

Trước đây, do số lượng trọng tài ít và không đủ điều kiện để giảng dạy luật golf cấp Level 1 & Level 2 ở Việt Nam còn nên phần lớn những người yêu golf phải tham dự các kỳ thi ở các quốc gia có nên golf phát triển như Thailand/ Malysia... Những năm gần đây, do số lượng người có chuẩn chứng chỉ về Luật Golf R&A Level 2 và Level 3 ở Việt Nam ngày một nhiều hơn, Hiệp hội golf Việt Nam (VGA) đã có đủ điều kiện để mở các lớp giảng dạy trực tiếp. Vì thế nếu muốn theo đuổi nghề này, bạn sẽ không gặp phải nhiều khó khăn như trước nữa.

Bạn cũng có thể tham gia tiếp khóa học và tham dự tiếp kỳ thi R&A Level 3 (hay Tournament Administrators and Referees School) để nâng cao nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tế. Đầu tiên bạn cần phải đạt chuẩn R&A Level 2 và được sự giới thiệu của VGA (hiện mỗi năm chỉ có 2 suất). Khóa học Level 3 có mặt ở nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… tuy nhiên thông thường những người yêu luật Golf tại Việt Nam sẽ đến St Andrews, Scotland - nơi có trụ sở chính của R&A. "Đã theo đuổi bộ môn này, ai cũng mong có ngày đến cái nôi của nó", anh Đăng Khoa giải thích vì sao nên lựa chọn Scotland làm nơi để tham dự kỳ thi.

Trọng tài golf luôn là người đến sân sớm nhất để bảo đảm giải đấu diễn ra tốt đẹp.

Kỳ thi Level 3 cũng tương tự cấp độ trước, bạn sẽ đậu khi đạt từ 60 điểm trở lên. Level 3 hiện cũng là cấp độ cao nhất của R&A. Số lượng trọng tài golf ở Việt Nam hiện không nhiều và số lượng người đạt chứng chỉ luật Golf R&A Level 3 hiện tại chỉ có 4 người, bao gồm Vũ Nguyên, Đinh Hồng Minh, Dương Quang Huy và Vũ Quân.

Kỳ sau: Sự ra đời của CLB Trọng tài Golf Việt Nam và những thách thức đang chờ đón!

Chơi golf trong rừng (phần 2)