ASIAD 18: Hành trình vì tương lai cộng đồng golf Việt Nam

Đội tuyển golf Việt Nam đã trải qua một hành trình ASIAD đầy cảm xúc và để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong mắt bạn bè châu lục, đồng thời học học thêm nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong tương lai.

Kết thúc một chặng đường đáng nhớ

Sau một tuần ở Indonesia tập luyện và thi đấu vất vả, đội tuyển golf Việt Nam gồm các VĐV Trương Chí Quân, Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Phương Toàn, Thái Trung Hiếu (nhóm Nam) và Đoàn Xuân Khuê Minh, Trần Chiêu Dương (nhóm Nữ) đã hoàn thành tốt đẹp 4 vòng đấu ở ASIAD 18.

Đội tuyển golf Việt Nam tham dự ASIAD 18 (từ trái qua): Jay Park (cố vấn), Trương Chí Quân, Nguyễn Hùng Dũng, Trần Chiêu Dương, Đoàn Xuân Khuê Minh, Nguyễn Phương Toàn, Thái Trung Hiếu, Vũ Nguyên (Chánh văn phòng Hiệp hội Golf Việt Nam - Đội phó), Nguyễn Quốc Hùng (Trưởng Bộ môn Golf - Tổng cục Thể dục Thể thao / Lãnh đội)

Dù kết quả vẫn còn cách biệt khá xa so với những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng, nhìn chung tuyển golf Việt Nam đã có một kỳ ASIAD khá thành công với những khoảnh khắc lóe sáng của từng cá nhân. Trong đó, ấn tượng nhất là việc nhóm Nam có 2 thành viên đánh âm gậy ở 1 vòng. Chí Quân (vòng 1) và Phương Toàn (vòng 3) là những VĐV xuất sắc đoạt thành tích này với cùng số gậy 71 (-1).

Những gương mặt lần đầu tham dự ASIAD như Trung Hiếu, Hùng Dũng, Khuê Minh, Chiêu Dương đều cho thấy sự nỗ lực, không dễ dàng đầu hàng và quyết tâm chiến thắng chính bản thân mình, qua đó tạo ra những hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè châu Á.

Với từng cá nhân VĐV, cơ hội được dự ASIAD đã đem đến những trải nghiệm quý giá và kỷ niệm không bao giờ phai về tinh thần đồng đội cũng như niềm vinh dự khi khoác lên mình màu cờ tổ quốc.

"Một tuần tham dự ASIAD là trải nghiệm quý giá tôi không bao giờ quên", Trung Hiếu - VĐV lớn tuổi nhất tuyển golf Việt Nam không giấu được sự tự hào khi đại diện cho tổ quốc. "Được khoác lên mình chiếc áo màu cờ và thi đấu cùng bạn bè châu lục quả thật rất hãnh diện. Tôi không có điều gì phải tiếc nuối cả. Mọi kỷ niệm đều đẹp, mọi vòng đấu và từng cú đánh đều là những giây phút đáng nhớ".

"Sau giải đấu, chúng ta có thể thấy được trình độ golf Việt Nam trong khu vực", ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng Bộ môn Golf - Tổng cục Thể dục Thể thao - Lãnh đội cho biết. "Tôi nghĩ kết quả đạt được khá tốt với nguồn lực hiện nay và chúng tôi khá hài lòng, đặc biệt là với đội Nam. Tôi thấy không có gì đáng buồn vì các bạn trẻ tham gia giải lần này để cọ xát, tăng cường kinh nghiệm để chuẩn bị cho SEA Games 2019".

Cần công tâm hơn khi nói về các VĐV golf Việt

Thành tích của các VĐV của tuyển golf Việt Nam rất đáng khích lệ, nhưng rải rác trên các diễn đàn, Facebook vẫn xuất hiện những lời bình khá tiêu cực của một số cá nhân khi nhìn thấy các em đã đánh dương gậy quá nhiều. Điều này cho thấy những nhận thức không công bằng vẫn còn tồn tại khi vẫn chưa có đủ kiến thức về trình độ chung của nền golf Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, ASIAD 18 là đấu trường thuộc tầm cỡ châu lục nên phần lớn các cường quốc về golf đều cử những VĐV tài năng và có nhiều cơ hội giành huy chương nhất. Dù chỉ golfer với tư cách nghiệp dư mới được tham dự giải đấu, nhưng cần nhìn vào thực tế trình độ nói chung giữa các VĐV Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Thái Lan.

​Lấy ví dụ, những VĐV đạt huy chương ở  nội dung đơn Nam ở ASIAD 18 gồm Nakajima Keita, Seungtaek Oh và Jin Cheng đều có thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng golfer nghiệp dư thế giới (WAGR), lần lượt ở vị trí 205, 628 và 244 (tính đến hết ngày 26/08). Tương tự ở nội dung đơn Nữ, ba cái tên đạt huy chương cũng có thứ hạng rất cao trên WAGR là Yuka Saso (hạng 48), Wenbo Liu (hạng 28) và Bianca Pagdanganan (hạng 95).

Trong khi đó, đội tuyển golf Việt Nam lần này chỉ có duy nhất cái tên Trương Chí Quân có mặt trên WAGR, nhưng ở tận vị trí... 1.874 trên BXH dành cho Nam. Như vậy, chúng ta cần phải nhìn vào tương quan sức mạnh. Nếu đối thủ quá giỏi và có trình độ vượt trội thì chúng ta không nên quá kỳ vọng khi mọi thứ đều chưa thể so bì với đối phương.

Nói như vậy không có nghĩa các VĐV tham dự ASIAD lần này không xứng đáng đại diện cho tuyển Việt Nam. Đó đều là những VĐV có trình độ và kết quả tốt nhất trong số các golfer giàu nghị lực và can đảm, sẵn sàng tham dự vòng loại và vòng chung kết giành suất đến ASIAD 18 do Hiệp hội golf Việt Nam tổ chức.

​Tất nhiên sự vắng mặt của Nguyễn Thảo My (hạng 375 WAGR), Hanako Kawasaki (hạng 1.059 WAGR) vì bận việc riêng đã đem đến nhiều tiếc nuối, nhưng nhìn chung các VĐV Việt Nam lần này đều là những gương mặt ưu tú và có nhiều tiềm năng để phát triển trong bối cảnh môn golf vẫn chưa được nhận thức đúng mức ở nước ta.

Thứ hai, theo chuyên gia Jay Park, tuyển golf Việt Nam tham dự kỳ ASIAD này không có lợi thế về số lượng thành viên. “Ở nội dung đồng đội, điểm mỗi ngày của đội là tổng điểm của 2 - 3 trong số tổng thành viên có thành tích tốt nhất trong ngày. Vì thế, nếu đội tuyển có nhiều thành viên tham gia hơn thì thành tích này chắc chắn sẽ khá hơn”, anh nói.

Chuyên gia Jay Park chỉnh sửa kỹ thuật cho các VĐV trong ngày đánh tập tại ASIAD vừa rồi.

Thứ ba, sân Pondok Indah - nơi môn golf được thi đấu là một trong những sân có địa hình thuộc loại phức tạp nhất ở châu Á và thường gây khó khăn với các golfer nghiệp dư. Trong điều kiện tổ chức các giải đấu, tình trạng mặt sân cũng được điều chỉnh lại để đem đến nhiều thách thức hơn cho người chơi, chẳng hạn như tốc độ green khá cao.

Vì thế mà nhiều quốc gia tham dự ASIAD đã tạo điều kiện để các VĐV của họ tập trước cả tháng, hay những VĐV mạnh như Saso, Atthaya Thitikul (hạng 11 WAGR), Ayaka Furue (hạng 83 WAGR)... cũng từng thi đấu các giải quốc tế ở đây. Thậm chí các VĐV chủ nhà Indonesia đã dành rất nhiều thời gian tập luyện ở đây và cũng có thứ hạng cao trên WAGR, nhưng cuối cùng vẫn không thể giành được HC nào.

Trong khi đó, tất cả VĐV Việt Nam đều cho biết họ chưa từng có cơ hội thi đấu ở sân này trong quá khứ. Điều kiện tập luyện để làm quen sân của các em cũng khá ít, chỉ khoảng gần 2 ngày (1 ngày 18 hố và 1 ngày 9 hố), nên có thể nói ngay từ đầu, những VĐV nước ta đã gặp bất lợi nhất định.

Điều này càng làm rõ cho luận điểm, việc tuyển Việt Nam đánh dương gậy là hoàn toàn có thể cảm thông và bất kì sân nào khi được chọn làm nơi thi đấu cấp quốc gia hay châu lục đều sẽ được điều chỉnh và gây khó khăn cho bất cứ VĐV nào. Thậm chí là VĐV cấp quốc tế.

Tiếp theo, tiền đề để có được thành tích cao phụ thuộc vào kế hoạch và định hướng, cũng như sự đầu tư từ nhà nước và các nguồn xã hội xóa hay hiệp hội thể thao. Muốn đạt được thành công đáng kể, bộ môn golf cần phải có sự đầu tư đúng mức và dài hạn, và đây rõ ràng là điều rất khó khăn khi số tiền bỏ ra để vươn đến đỉnh cao không kém các môn như quần vợt hay bóng đá.

Ngoài ra, thời gian phân bố cho golf và việc cá nhân như học tập cũng chỉ vào khoảng 50-50. Thông thường để phát triển kỹ năng, các golfer trẻ cần dành đến 80% thời gian để luyện tập mới có cơ hội cạnh tranh huy chương.​

Hướng đi đã đúng, chỉ cần đồng lòng

Golf đang trở thành môn thể thao ngày ngày phổ biến trên thế giới với vô số giải đấu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư diễn ra hằng tuần, trên khắp toàn thế giới. Rõ ràng cộng đồng golf Việt Nam không thể vì những cá nhân có suy nghĩ “Không giỏi, đi quốc tế làm gì” mà đi ngược lại với sự phát triển chung.

Nếu vì tâm lý lo ngại, sợ sệt mà không cử VĐV thi đấu ở các giải châu lục, vậy đến bao giờ Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc ở bộ môn này? "Không đi thì không bao giờ có huy chương, còn đi thì có thể sau này sẽ có", ông Hùng nhận xét.

Thay vì dễ dàng buông những lời phán xét, chỉ trích khi thấy kết quả không tốt, người hâm mộ golf ở Việt Nam cần có cái nhìn khách quan hơn với những nỗ lực, phấn đấu mà các VĐV đã thể hiện vì họ đã rất cố gắng trong việc đóng góp thành tích cho đội tuyển golf và đoàn thể thao Việt Nam.

“Tuyển Việt Nam đã học và trải nghiệm rất nhiều từ chuyến thi đấu này. Nhờ đó, họ sẽ nhận ra những gì đang thiếu và bắt đầu phát triển kỹ năng cũng như sức bền”, chuyên gia Jay Park cho biết thêm.

​Ở kỳ ASIAD lần này, đa số các thành viên đều có tuổi đời rất trẻ (5/6 VĐV từ 20 tuổi trở xuống), đồng thời kinh nghiệm thi đấu quốc tế đều không nhiều như các nước bạn. Chính vì thế mà việc được trải nghiệm ở một đấu trường đỉnh cao như ASIAD đã đem đến nhiều bài học bổ ích và xứng đáng nhận được sự ủng hộ để tạo ra một môi trường thể thao tích cực trong tương lai. “Đây đều là những gương mặt có tiềm năng và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu được đầu tư và rèn luyện đúng cách”, Jay Park chia sẻ.

Trong thời gian vừa qua, khâu đào tạo golfer trẻ ở Việt Nam đã được chú trọng khi nhiều cá nhân với tình yêu golf sâu đậm đã mở ra nhiều lớp học miễn phí. Đó là chưa kể Hội golf ở các tỉnh thành luôn tổ chức các giải trẻ để tìm ra các tài năng mới, cũng như hâm nóng tình yêu với bộ môn này.

Điều này cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, với sự ủng hộ của các mạnh thường quân và những người yêu golf ở Việt Nam để có thể góp phần thay đổi nền golf nước ta.

Liệu ASIAD 18 sẽ trở thành bước dạo đầu cho hành trình rất dài để đưa nền golf nước nhà tiến ra biển lớn, hay chỉ là nơi để so sánh với “con nhà người ta”? Tất cả sẽ tùy thuộc vào sự đồng lòng của những người yêu golf ở Việt Nam.

Tổng kết ASIAD 18: Tuyển golf Việt Nam nỗ lực hoàn thành chuyến du đấu, vượt qua giới hạn bản thân